(GLO)- Những năm qua, số lượng doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Gia Lai còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Để cải thiện vấn đề này, UBND tỉnh đã có nhiều động thái tích cực. Kết quả là gần đây, Gia Lai liên tục nhận được những đề nghị đầu tư từ các doanh nghiệp FDI để tạo nên “mảnh ghép” hoàn hảo trong bức tranh thu hút đầu tư.
Gia Lai hiện có 4 doanh nghiệp FDI, tập trung ở Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku). Các doanh nghiệp này đang triển khai thực hiện 5 dự án với tổng vốn đăng ký là 9,75 triệu USD, gồm: dự án khai thác và chế biến đá của Công ty TNHH một thành viên Đá Viet-Euro-Stone Gia Lai (Cộng hòa Liên bang Đức); dự án chế biến cà phê và nông sản của Công ty TNHH Louis Dreyfus Commodities Việt Nam (Singapore); dự án nhà máy chế biến cà phê ACOM của Chi nhánh Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam tại Gia Lai (Thụy Sĩ); dự án mở rộng nhà máy chế biến nông sản Olam và dự án nhà máy thu mua, sơ chế nông sản của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai (Singapore).
Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Gia Lai tiếp nhà đầu tư Thụy Sĩ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Gia Lai. Ảnh: K.L |
Doanh nghiệp tiên phong
Là một trong những doanh nghiệp FDI đến đầu tư tại Gia Lai sớm nhất (cuối năm 2005), Chi nhánh Công ty TNHH Olam điều (Khu Công nghiệp Trà Đa) được đánh giá là hoạt động ổn định với dây chuyền thiết bị tiên tiến, hiện đại, chăm lo tốt đời sống công nhân và không ngừng mở rộng thêm lĩnh vực cũng như quy mô kinh doanh. Ông Kulhans Singhvi-Giám đốc Chi nhánh Olam điều-cho biết: “Olam là một tập đoàn kinh tế có hoạt động sản xuất kinh doanh tại 70 nước trên thế giới, riêng tại Việt Nam có 19 chi nhánh. Tại Gia Lai, Olam có 3 chi nhánh là Olam điều, Olam cà phê và Olam hồ tiêu. Về mặt hàng điều, hàng năm, Chi nhánh có khoảng 18.000 tấn điều thô xuất sang thị trường các nước châu Âu và châu Mỹ. Để đảm bảo môi trường cũng như sức khỏe công nhân, chúng tôi đã đưa máy móc, trang-thiết bị hiện đại vào hoạt động sản xuất như máy cắt tách, máy phân loại, máy bóc vỏ lụa tự động”.
Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Olam điều đánh giá rất cao những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động. “Theo tôi được biết, để một doanh nghiệp nước ngoài được đầu tư tại Gia Lai là điều hoàn toàn không dễ vì nhiều lý do, nhưng Olam đã nhận được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Cùng với đó là sự ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, từ việc hướng dẫn cụ thể trong xin chủ trương đầu tư đến các khâu như thiết kế cơ sở, giấy phép xây dựng, giao đất, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường, mở rộng quy mô doanh nghiệp. Chúng tôi cũng khá thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu. Hiện chúng tôi đã liên kết với các hợp tác xã tại huyện Ia Grai để có nguồn nguyên liệu lớn và ổn định. Ngược lại, chúng tôi đã đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, đường điện, giếng nước, nhà vệ sinh cho những người dân trồng điều ở đây. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai những việc này tại một số địa bàn có nguồn nguyên liệu hạt điều khác”-ông Kulhans Singhvi chia sẻ.
Công ty TNHH Olam Việt Nam là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tiên đến đầu tư tại Gia Lai. Ảnh: K.L |
Một doanh nghiệp FDI khác cũng chọn Gia Lai làm nơi đầu tư là ACOM Gia Lai (thuộc Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam). Đây là doanh nghiệp thu mua, chế biến cà phê 100% vốn nước ngoài. Doanh nghiệp của Thụy Sĩ này hoạt động tại Việt Nam từ năm 2003 và có trụ sở chính tại TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Năm 2012, ACOM mở chi nhánh tại Gia Lai với khoảng 50 công nhân. Sản phẩm của Công ty hiện được xuất khẩu đến khoảng 30 quốc gia trên thế giới, trong đó có cả các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản với sản lượng khoảng 60.000 tấn cà phê nhân/năm (riêng tại Gia Lai vào khoảng 20.000 tấn/năm), kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100 triệu USD/năm.
Ông Mai Thanh Trang-Giám đốc ACOM Gia Lai-đánh giá: “Chúng tôi được tỉnh Gia Lai hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi như miễn tiền thuê đất trong 10 năm, hay những chính sách về thuế doanh nghiệp. Gia Lai là vùng đất có nguồn nguyên liệu cà phê rất dồi dào. Người nông dân trồng cà phê cũng rất kỹ lưỡng trong chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Vì vậy, chất lượng hạt cà phê rất tốt, ít bị hư hỏng. Chúng tôi rất thích sản phẩm cà phê của Gia Lai”.
Đón làn sóng đầu tư mới
Tiềm năng, thế mạnh của Gia Lai được đánh giá là dồi dào và rất thuận lợi để thu hút FDI. Về giao thông, Gia Lai có quốc lộ 19 nối từ Cảng Quy Nhơn lên Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, kết nối qua đường 78 đi tỉnh Ratanakiri (Campuchia) và sang các tỉnh Nam Lào, Thái Lan; có quốc lộ 14 đi qua 5 tỉnh Tây Nguyên trong khu vực Tam giác phát triển, đến Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y qua Attapeu (Lào) về Đà Nẵng, kết nối với quốc lộ 24 đi Quảng Ngãi; quốc lộ 25 đi Phú Yên. Gia Lai còn có Cảng Hàng không Pleiku với các chuyến bay hàng ngày đi các tỉnh thành lớn và ngược lại. Điều đó cho thấy, Gia Lai là điểm hội tụ giao thương, có điều kiện để phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Gia Lai còn được coi là thủ phủ hồ tiêu, có diện tích cao su, cà phê rất lớn và là thủ phủ mới trong phát triển năng lượng tái tạo. Ngoài ra, các lĩnh vực như: điện, phát triển đô thị, công-nông nghiệp, thương mại-dịch vụ, giáo dục và đào tạo, đào tạo nghề… của tỉnh cũng dễ dàng thu hút FDI.
Công ty TNHH Olam Việt Nam là một trong những doanh nghiệp FDI đầu tiên đến đầu tư tại Gia Lai. Ảnh: K.L |
Tiềm năng, thế mạnh là vậy nhưng số dự án FDI của Gia Lai vẫn quá khiêm tốn so với các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên khi Lâm Đồng hiện có 103 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 531 triệu USD; Đak Lak 13 dự án với 174 triệu USD vốn đầu tư; Đak Nông hiện có 8 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 62 triệu USD; Kon Tum hiện có 8 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD. Bởi vậy, thu hút FDI đang là một trong những mục tiêu quan trọng mà tỉnh nỗ lực thực hiện. Vào đầu tháng 6-2019, đoàn công tác của tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành dẫn đầu đã tham dự Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần thứ nhất tại Incheon (Hàn Quốc). Tại diễn đàn, tỉnh đã ký kết 12 bản ghi nhớ đầu tư với các doanh nghiệp FDI. Sau Diễn đàn kinh tế kiều bào toàn cầu lần thứ nhất tại Incheon, ngày 15-6, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã có buổi tiếp và làm việc với ông Đỗ Kim Trọng-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Hợp tác Quốc tế TKV Holdings (Vương quốc Anh) đến khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án chợ đầu mối. Và đến ngày 23-11, một biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư đã được ký giữa tỉnh Gia Lai và doanh nghiệp này ngay trong dịp diễn ra sự kiện TechDemo 2019.
Trước đó, ngày 5-6, ông Bernhard Frei-Tổng Giám đốc Điều hành, đồng sở hữu Công ty Quicornac S.A (Thụy Sĩ) đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư và đề nghị được đầu tư nhà máy chế biến chanh dây tại Gia Lai. Công ty Quicornac S.A là doanh nghiệp chuyên sản xuất chanh dây cô đặc hàng đầu thế giới, được thành lập cách đây 30 năm và có mặt tại 32 quốc gia. Hiện công ty này đang hoàn thiện những thủ tục cần thiết sau khi nhận được sự đồng ý của tỉnh để tiến hành đầu tư. Sau đó không lâu, Công ty Envision Energy (Hàn Quốc) cũng đến đặt vấn đề được đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tua bin.
Để thu hút FDI, bên cạnh việc chú trọng công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá hình ảnh cũng như tiềm năng phát triển của tỉnh tới cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, tỉnh ta còn chú trọng nghiên cứu thị trường, xúc tiến đầu tư một số sản phẩm đã được quy hoạch cho cả vùng. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo về số lượng và yêu cầu trình độ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Tin rằng với những nỗ lực đó, số lượng doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng tăng, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
KIM LINH