TN - Đất & Người

Thủ lĩnh làng Brếp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Học được nhiều cách làm ăn hay, ông Đinh Tân (Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Brếp, xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) đang trở thành đầu tàu đưa 77 hộ dân trong làng dần dần thoát khỏi nghèo đói.

 Ông Đinh Tân vui vì cà phê của gia đình và bà con dân làng năm nay được mùa. Ảnh: N.G
Ông Đinh Tân vui vì cà phê của gia đình và bà con dân làng năm nay được mùa. Ảnh: N.G

Trong cái nắng vàng ươm của buổi chiều chớm đông, tôi ấn tượng với những khoảng sân rộng trải đầy lúa của dân làng Brếp. Những người phụ nữ với đôi chân thoăn thoắt cày trở lúa và tươi cười đón từng chuyến xe công nông chở lúa về kho. Niềm vui no đủ của dân làng Brếp đang được nối dài theo thời gian. “Cách đây khoảng vài năm, dân làng mình làm gì có nhiều lúa thế này. Từ ngày già Đinh Tân họp làng, bày bà con làm cây lúa nước, làng Brếp mới có thêm nhiều máy cày, xe công nông, máy tuốt lúa và nhà xây như ngày hôm nay”-anh Đinh Blip-người dân làng Brếp nói.

Không chỉ có công trong việc phát triển cây lúa nước, ông Đinh Tân còn giúp bà con cải tạo, phát triển hàng chục ha cà phê, hồ tiêu. Từ những vườn tạp, cây trồng già cỗi trước đây nay đã trở thành những vườn cà phê, hồ tiêu tươi tốt, cho năng suất cao. Cách làm của ông là vận động bà con đổi công cho nhau, vừa không mất tiền thuê mướn, vừa sử dụng triệt để thời gian lao động, tránh tình trạng “nhàn cư vi bất thiện” của một bộ phận thanh niên trong làng. Đặc biệt, với hình thức lao động này, ông đã giúp bà con học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để từ đó ai cũng biết cách làm ăn. Nghe qua thì tưởng chừng đơn giản nhưng ông đã phải tốn rất nhiều công sức thuyết phục bà con mới nghe theo. “Bà con mình trước nay cứ thích đi làm thuê để có tiền tiêu vào cuối ngày nhưng đó không phải là cách thoát nghèo. Mình phải biết cách tự làm ra sản phẩm của mình thì mới bền vững, mới mong thoát nghèo rồi phải nghĩ tới chuyện làm giàu để cố gắng”-ông Đinh Tân bày tỏ.

Hỏi về bất kỳ gia đình nào trong làng làm ăn ra sao ông đều kể vanh vách. Nhưng khi nói về mình, ông chỉ ngắn gọn: “Mình có công gì đâu, tất cả là nhờ bà con biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm đó thôi”. Ông là vậy, nói rất ít, tuyệt đối không nhận chút công lao nào trong việc đưa dân làng thoát nghèo đói, nhưng đôi chân thì thoăn thoắt chạy đi giúp bà con bất kỳ khi nào họ cần không quản nắng mưa. Ông hiếm khi nào có thời gian rảnh rỗi. Câu chuyện giữa tôi và ông bởi thế cũng diễn ra trong vườn cà phê đang mùa kết trái. Ông kể: “Mình phải chăm sóc vườn cà phê thật tốt để bà con nhìn vào mà tin tưởng lời nói của mình. Ngày nào cũng có người ghé qua thăm vườn, học cách chăm sóc từng thời kỳ đấy. Bà con mình cũng giỏi lắm, hướng dẫn vài lần là biết làm ngay”.

Toàn tâm toàn ý và gần gũi với dân làng là cách ông lấy được lòng tin của họ. Trước đây, khi chưa biết cách làm ăn, nhiều người đòi bán đất, ông phải khuyên can rất nhiều, thậm chí ông còn phải đi canh đất cho bà con. Có người xua đuổi nhưng nhất định ông cứ đứng canh, rồi nhân tiện còn bày cho họ cách làm ăn. Ông xem chất đất, hướng dẫn bà con trồng cây gì cho phù hợp. Cứ thế, ông giữ lại cho làng Brếp từng tấc đất “vàng”. Nhờ đó mà giờ đây, dân làng Brếp không ai phải “làm thuê trên đất của mình”.

Góp chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thư-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Djrăng vui vẻ: “Ông Đinh Tân là một trợ thủ rất đắc lực của chúng tôi trong công tác vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Với bà con, ông ấy là một già làng uy tín. Mọi lời ông Tân nói ra đều được bà con tin tưởng nghe theo. Nhờ đó mà làng Brếp ngày nay đã vượt lên dẫn đầu trong 7 làng dân tộc thiểu số của xã”.

Với mức thu nhập mỗi năm khoảng 300 triệu đồng từ 3 ha cà phê, gần 1.000 trụ hồ tiêu nhưng ông Tân chưa bao giờ cảm thấy hài lòng. Ba cậu con trai của ông cũng được rèn giũa nên ai cũng siêng năng, yêu lao động.

 Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm