Nỗ lực điều chế vaccine phòng ngừa bệnh HIV/AIDS trong 40 năm qua vừa ghi nhận thêm nhiều tiến triển khi các nhà khoa học thông báo một loại vaccine đang thử nghiệm đã tạo ra chuỗi phản ứng mạnh trong hệ miễn dịch ở con người và đã bảo vệ các con khỉ không bị lây nhiễm virus HIV.
Kết quả thử nghiệm vaccine HVTN704 chính thức cuối cùng dự kiến sẽ có trong giai đoạn 2021-2022. Ảnh: India Samvad |
Trong nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet, nhóm nghiên cứu của Dan Barouch, giáo sư trường Đại học Y Harvard (Mỹ), cho biết vaccine HVTN704 (còn gọi là Imbokod) đã bước đầu phát huy hiệu quả ở 2/3 trong số 72 con khỉ được tiêm thử nghiệm, bảo vệ chúng không bị nhiễm HIV.
Vaccine trên đã được thử nghiệm ở 393 người lớn khỏe mạnh không nhiễm HIV trong độ tuổi từ 18 đến 50 tại Đông Phi, Nam Phi, Thái Lan và Mỹ.
Kết quả ban đầu cho thấy vaccine tạo nên một phản ứng miễn dịch mạnh trong cơ thể người. Có 5 người ghi nhận các tác dụng phụ như đau dạ dày, tiêu chảy, chóng mặt hoặc đau lưng.
Trong giai đoạn sau, vaccine sẽ được tiêm cho 2.600 phụ nữ sống ở miền Nam châu Phi để đánh giá khả năng ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS. Kết quả thử nghiệm vaccine HVTN704 chính thức cuối cùng dự kiến sẽ có trong giai đoạn 2021-2022.
Các kết quả mới nhất này được công bố trước thềm Hội nghị Quốc tế về AIDS sẽ diễn ra tại Amsterdam (Hà Lan) từ 23 đến 27-7 tới.
Cho đến nay chỉ có duy nhất vaccine RV144 có khả năng bảo vệ con người không bị lây nhiễm HIV ở một mức độ nhất định. Năm 2009, RV144 được báo cáo đã giảm 31,2% nguy cơ lây nhiễm HIV trong số 16.000 người tình nguyện Thái Lan.
Việc phát triển một loại vaccine phòng ngừa HIV rất khó khăn vì virus có khả năng biến đổi và ẩn náu trong tế bào, tránh sự tấn công của hệ miễn dịch. Chúng có thể hoạt động trở lại và lây lan sau nhiều năm. Hiện tại, các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS chủ yếu được điều trị bằng các loại thuốc kháng retrovirus (ATR) suốt đời.
Khánh Hưng (sggp)