Kinh tế

Thu nhập ổn định từ nghề làm nhang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)-

Duy trì hoạt động cơ sở sản xuất nhang Lợi Tâm từ năm 2019 đến nay, ông Nguyễn Thanh Tâm (tổ 6, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) có nguồn thu nhập ổn định và tạo việc làm cho lao động địa phương.

Sau khi tham quan, học hỏi quy trình sản xuất nhang tại một số cơ sở ở TP. Hồ Chí Minh, năm 2019, ông Tâm đầu tư hơn 50 triệu đồng mua máy xay bột, máy trộn bột, máy rút tăm làm nhang tự động và bộ khuôn đúc nụ trầm để sản xuất nụ trầm, quế, thảo mộc, nhang trầm, quế, thảo mộc.

Gia đình ông Nguyễn Thanh Tâm (tổ 6, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) có nguồn thu nhập ổn định từ nghề sản xuất nhang. Ảnh Ngọc Minh

Gia đình ông Nguyễn Thanh Tâm (tổ 6, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) có nguồn thu nhập ổn định từ nghề sản xuất nhang. Ảnh Ngọc Minh

“Bắt tay vào sản xuất, tôi đăng ký tên cơ sở sản xuất nhang Lợi Tâm để khách hàng dễ phân biệt và thuận tiện trong giao dịch, cung ứng sản phẩm ra thị trường”-ông Tâm nói.

Để làm ra những sản phẩm nhang chất lượng, ông Tâm sử dụng nguyên liệu tự nhiên như quế, trầm, một số lá thảo dược và bột cây bời lời-chất keo tự nhiên. Tất cả các nguyên liệu thô sau khi mua về được ông phân loại, sơ chế, bảo quản nơi khô ráo tránh nấm mốc, ảnh hưởng đến chất lượng, mùi thơm của sản phẩm nhang.

Ông Nguyễn Thanh Tâm (tổ 6, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) sử dụng thanh quế, nghiền thành bột làm nguyên liệu sản xuất nhang. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Nguyễn Thanh Tâm (tổ 6, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) sử dụng thanh quế, nghiền thành bột làm nguyên liệu sản xuất nhang. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Tâm cho biết, từng loại nguyên liệu thô được xay riêng thành bột mịn, tạo ra sản phẩm nhang có hương thơm đặc trưng, khi đốt phát huy tối đa mùi thơm của mỗi loại. Thành phẩm bột mịn được phối trộn với bột cây bời lời theo công thức, tỷ lệ riêng. Vừa trộn bột vừa cho thêm nước để tạo thành hỗn hợp bột dẻo không quá khô hoặc quá nhão.

“Nếu bột quá khô khó kết dính, sản phẩm làm ra không đều, còn bột quá nhão độ kết bám vào tăm tre kém dễ rớt và phơi lâu khô. Sản xuất các nụ trầm, quế, thảo mộc dễ hơn. Đổ hỗn hợp bột nguyên liệu trộn trước đó vào khuôn đúc sẵn, rồi ép thật chặt, nhẹ nhàng gỡ từng sản phẩm đem hong phơi cho khô, đóng hộp bảo quản từ 1-2 năm không bị hư mốc”-ông Tâm nói.

Toàn bộ quy trình sản xuất nhang được gia đình ông Tâm sử dụng máy móc, tạo ra sản phẩm đều đẹp, hiệu quả sản xuất cao. Ảnh: Ngọc Minh

Toàn bộ quy trình sản xuất nhang được gia đình ông Tâm sử dụng máy móc, tạo ra sản phẩm đều đẹp, hiệu quả sản xuất cao. Ảnh: Ngọc Minh

Cũng theo ông Tâm: Toàn bộ quy trình sản xuất nhang được dùng máy móc, tạo ra sản phẩm đều, đẹp, không tốn nhiều công sức như làm thủ công. Nguyên liệu đổ vào phễu, máy tự động đùn bột xuống gặp lõi tre quấn chặt tạo thành thanh nhang mịn đều từ trên xuống dưới, không xù xì, lồi lõm như làm bằng tay. Từng thanh nhang đều tăm tắp được máy đẩy vào khay đựng.

Nhang làm xong dàn đều trên khung phơi đảm bảo không bị bụi bẩn và tạo thông thoáng để nhang mau khô. Trời nắng phơi 1 buổi là nhang khô, còn ít nắng thì 1- 2 ngày. Nhang phơi thật khô, sau đó đóng gói, trên mỗi bó, hộp nhang in thông tin thành phần, tên và địa chỉ cơ sở, số điện thoại để khách hàng thuận tiện liên lạc, biết nguồn gốc xuất xứ.

“Loại nhang quế cây dài 30-80cm giá từ 60-70 ngàn đồng/kg; thảo mộc 100-130 ngàn đồng/kg; nhang trầm 200 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/kg. Nụ trầm 800 ngàn đồng đến 2 triệu đồng/kg; thảo mộc 350 ngàn đồng/kg; quế 250 ngàn đồng/kg. Nhang vòng quế 60 ngàn đồng/hộp; thảo mộc 80 ngàn đồng/kg; trầm 150-200 ngàn đồng/hộp. Sản phẩm cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình hơn 120 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí”-ông Tâm thông tin.

Sản phẩm của cơ sở sản xuất nhang Lợi Tâm không có chất bảo quản, hương thơm tự nhiên được khách hàng ưu chuộng, đánh giá cao. Ảnh: Ngọc Minh

Sản phẩm của cơ sở sản xuất nhang Lợi Tâm không có chất bảo quản, hương thơm tự nhiên được khách hàng ưu chuộng, đánh giá cao. Ảnh: Ngọc Minh

Bà Nguyễn Thị Hơn-vợ ông Tâm chia sẻ: “Nhang, nụ trầm, quế, thảo mộc có thể được dùng cho mục đích thờ cúng hoặc xông nhà, giảm mệt mỏi, căng thẳng. Những tháng cận Tết Nguyên đán, gia đình phải tăng công suất gấp đôi, thậm chí gấp ba để trả đơn cho khách hàng. Vậy nên thời điểm này, ngoài huy động con cháu, cơ sở tạo việc làm cho 4-5 lao động địa phương với tiền công 200 ngàn đồng/người/ngày”.

Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (tổ 6, phường Tây Sơn) mua nhang về bán và làm gia công, đóng gói sản phẩm cho cơ sở xuất nhang Lợi Tâm. “Việc xếp các nụ trầm, quế, thảo mộc vào hộp hoặc bỏ thanh nhang vào hộp không quá vất vả, phù hợp với phụ nữ. Nếu chăm chỉ, mỗi chị em có thêm tiền tiêu Tết. Tôi cũng nhập các loại sản phẩm của cơ sở về bán có thêm thu nhập 1-2 triệu đồng/tháng. Sản phẩm không có chất bảo quản, hương thơm tự nhiên được khách hàng ưu chuộng, đánh giá cao”-bà Thủy nhận xét.

Bên cạnh sản xuất nhang thanh, cơ sở sản xuất nhang của ông Tâm còn cung ứng thị trường nụ trầm, nụ quế, nụ thảo mộc. Ảnh: Ngọc Minh

Bên cạnh sản xuất nhang thanh, cơ sở sản xuất nhang của ông Tâm còn cung ứng thị trường nụ trầm, nụ quế, nụ thảo mộc. Ảnh: Ngọc Minh

Ông Nguyễn Vũ Hiệp-Chủ tịch Hội Nông dân phường Tây Sơn cho biết: Cơ sở sản xuất nhang Lợi Tâm là một trong những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Việc duy trì hoạt động, phát triển sản xuất nhang của gia đình ông Nguyễn Thanh Tâm không chỉ tạo việc làm cho lao động, còn làm đa dạng ngành nghề sản xuất tại địa phương.

“Thời gian tới, ngoài khuyến khích gia đình nâng cao hơn nữa chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm, Hội Nông dân phường sẽ hướng dẫn gia đình ông Tâm làm hồ sơ, thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP năm 2025”-Chủ tịch Hội Nông dân phường Tây Sơn nhấn mạnh.

Gia đình ông Nguyễn Thanh Tâm (tổ 6, phường Tây Sơn, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) có nguồn thu nhập ổn định từ nghề sản xuất nhang.

Có thể bạn quan tâm