Chương trình cảnh quan hồ tiêu bền vững đang được triển khai thực hiện tại "thủ phủ" hồ tiêu lớn nhất tỉnh Đắk Nông đang mở ra cho nông dân cơ hội mới.
Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Hiệp hội gia vị châu Âu vừa phối hợp với UBND huyện Đắk Song triển khai Chương trình cảnh quan hồ tiêu bền vững.
Tiềm năng lớn, giá trị nhỏ
Huyện Đắk Song có thể nói là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông. Từng có một thời, tại Đắk Song xuất hiện "xã tỷ phú" nhờ hồ tiêu. Nhưng sự giàu có ấy không bền vững.
Đắk Song có tiềm năng về hồ tiêu rất lớn nhưng do việc sản xuất thiếu bền vững khiến người dân gặp khó khăn. Ảnh: Duy Hậu |
Những năm gần đây, về "xã tỷ phú" ở Đắk Song, quang cảnh trù phú không còn nữa. Những vườn tiêu bạc tỷ cũng không còn. Nhiều người từng một thời là tỷ phú phải bán nhà, bán đất để trả nợ ngân hàng.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân khiến người trồng hồ tiêu tại Đắk Song gặp khó khăn là do sản xuất thiếu bền vững.
Giá hồ tiêu tăng cao đã khiến diện tích trồng hồ tiêu ở huyện này tăng đột biến, bất chấp quy hoạch. Trong khi đó, người dân chưa có biện pháp để phòng trừ dịch bệnh nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm cho cây hồ tiêu.
Có đến hơn 13.600ha hồ tiêu nhưng huyện Đắk Song chỉ có khoảng hơn 2.300ha có chứng nhận. Ảnh: Duy Hậu |
Trước lợi nhuận quá lớn của hồ tiêu một thời, người dân đổ xô trồng. Trong khi đó, việc canh tác vẫn theo lối cũ. Nông dân không có giống tốt, sạch bệnh. Quy trình sản xuất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh... không toàn diện.
Điều này khiến cho năng suất, chất lượng cũng như tuổi thọ của vườn tiêu bị ảnh hưởng rất lớn. Từ đó, giá trị hạt tiêu ở Đắk Song chưa cao, chưa xứng tầm với tiềm năng của huyện.
Theo ngành nông nghiệp huyện, Đắk Song có hơn 13.600 ha hồ tiêu nhưng chỉ có khoảng 1/6 diện tích có chứng nhận các loại và chỉ có 178 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, 352 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, 150 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam…
Từng bước nâng cao giá trị cho hồ tiêu Đắk Song
Để giải quyết các "vấn đề" của hồ tiêu Đắk Song, "Chương trình cảnh quan hồ tiêu bền vững" sẽ tập trung vào các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về canh tác bền vững cho nông dân sản xuất hồ tiêu.
Ngoài ra, Chương trình cũng đồng hành với dự án, các doanh nghiệp có vai trò hỗ trợ đào tạo, giám sát thực hành canh tác bền vững và quản lý sử dụng hóa chất nông nghiệp. Mục tiêu sẽ từng bước gia tăng sản lượng hồ tiêu đạt tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu.
Theo bà Mạc Tuyết Nga, Giám đốc Chương trình gia vị IDH Việt Nam, Phó Ban chỉ đạo Chương trình cảnh quan hồ tiêu Đắk Song- IDH sẽ cam kết đồng hành cùng địa phương tháo gỡ những vấn đề tồn tại trong phát triển hồ tiêu. Trong đó, IDH chú trọng giúp các nông hộ tiếp cận, hiểu được cảnh quan trong sản xuất hồ tiêu là như thế nào.
Ông Lê Việt Anh, Chánh Văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng cam kết: "Qua khảo sát, Hiệp hội đã nắm bắt được toàn cảnh ngành hồ tiêu của huyện. Hiệp hội sẽ có các hoạt động cụ thể góp phần thực hiện thành công dự án".
Theo ông Võ Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, cùng với sự hỗ trợ của dự án, chính quyền địa phương cũng sẽ tiếp tục thu hút sự tham gia của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp vào chương trình.
Từ đó, từng bước hình thành vùng nguyên liệu hồ tiêu bền vững, với quy mô lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
Theo Duy Hậu (Dân Việt)