Kinh tế

"Thủ phủ hồ tiêu" trong cơn bĩ cực-Kỳ 1: Vỡ quy hoạch,giá rớt thê thảm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1986, một số hộ dân của huyện Chư Sê đã khăn gói vào huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) học hỏi cách trồng hồ tiêu và đưa loại cây này về trồng. Kể từ đó, diện tích hồ tiêu tại huyện này (nay là 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh) không ngừng được mở rộng, giúp hàng ngàn hộ dân nơi đây đổi đời. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, cây hồ tiêu đổ bệnh chết hàng loạt, giá xuống thấp kỷ lục khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn, phải bỏ đi nơi khác kiếm sống.
Vượt quy hoạch gần 3 lần
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, thời điểm cuối năm 2010, toàn tỉnh có hơn 5.800 ha hồ tiêu thì đến cuối năm 2016, diện tích đã tăng lên tới 16.400 ha. Năm 2018, do nhiều nguyên nhân, diện tích hồ tiêu của tỉnh giảm còn 16.200 ha. Trong khi đó, theo quy hoạch đến năm 2015, tầm nhìn 2020, tổng diện tích hồ tiêu của toàn tỉnh là 6.000 ha. Nghĩa là, diện tích hồ tiêu của tỉnh đã tăng gần gấp 3 lần so với quy hoạch.
Trong giai đoạn hồ tiêu được giá, các hộ nông dân đều đổ xô trồng, thậm chí nhiều người còn phá bỏ cả vườn cà phê đang trong giai đoạn thu hoạch để chuyển sang trồng hồ tiêu. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Cao Văn Đạo (thôn 1, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) cho hay: “Năm 2010, tôi trồng hơn 1 ha hồ tiêu. Lúc này, giá hồ tiêu lên cao, 1 ha cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm. Do lợi nhuận cao nên tôi tiếp tục vay vốn ngân hàng để mở rộng diện tích, rồi sang huyện Chư Prông và thậm chí xuống tận huyện Kông Chro để thuê đất trồng hồ tiêu. Không chỉ gia đình tôi mà lúc bấy giờ, ở Ia Blang, nhà nhà trồng hồ tiêu, người người trồng hồ tiêu”. Tương tự, ông Lê Văn Cường (làng Khối Zét, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cũng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi có 1 ha hồ tiêu. Đến năm 2015, tôi vay ngân hàng để mua đất trồng thêm 1 ha nữa. Nhiều hộ trong làng cũng đua nhau trồng vì thời điểm này giá hồ tiêu lên đến 220.000 đồng/kg”.
Vườn hồ tiêu của chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đang chết dần vì sâu bệnh. Ảnh: V.H
Vườn hồ tiêu của chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Hòa An, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) đang chết dần vì sâu bệnh. Ảnh: V.H
Đó là lý do khiến diện tích hồ tiêu tại huyện Chư Sê và Chư Pưh-2 địa phương được mệnh danh là “thủ phủ hồ tiêu” của tỉnh tăng đột biến. Năm 2010, huyện Chư Sê có khoảng 2.000 ha hồ tiêu thì đến năm 2019 diện tích này đã tăng lên 3.649 ha. Còn tại huyện Chư Pưh, năm 2010 có gần 1.800 ha thì đến năm 2019, con số này là 2.600 ha.
Không chỉ ở 2 địa phương này mà nông dân trên địa bàn tỉnh cũng ồ ạt trồng hồ tiêu khiến quy hoạch chung của tỉnh bị phá vỡ. Mặc dù diện tích hồ tiêu trong 2 năm (2018-2019) đã giảm vì nhiều nguyên nhân, nhưng diện tích thực tế vẫn cao hơn nhiều so với quy hoạch chung và khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.
Hậu quả khó lường
Việc mở rộng diện tích hồ tiêu ồ ạt, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chuyên môn đã gây ra những hậu quả khó lường. Ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 500 ha hồ tiêu người dân trồng trên đất không phù hợp (đất hợp thủy, đất có hàm lượng sét cao, đất không thoát được nước vào mùa mưa...) dẫn đến khả năng cây sinh trưởng kém, không chống chọi được với sâu bệnh nên chết hàng loạt.
Nông dân thôn 6, thị trấn Chư Prông phá bỏ vườn hồ tiêu chết do nhiễm bệnh. Ảnh: V.H
Nông dân thôn 6, thị trấn Chư Prông phá bỏ vườn hồ tiêu chết do nhiễm bệnh. Ảnh: V.H
Đơn cử, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện Chư Sê đã có 1.741 ha hồ tiêu chết, trong đó hơn 1.000 ha chết vì ngập úng, gần 500 ha chết do sâu bệnh. Lý giải về việc này, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Đầu tiên là do nông dân bất chấp khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, trồng hồ tiêu trên những vùng đất có khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp. Cụ thể, có hơn 200 ha hồ tiêu ngoài vùng quy hoạch của huyện bị chết. Cùng với đó, nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, không xử lý dứt điểm mầm bệnh, chưa xử lý đất trên các diện tích hồ tiêu vừa chết đã trồng mới khiến hồ tiêu nhiễm bệnh và chết. Tương tự, trong năm 2018, trên địa bàn huyện Chư Pưh đã có 1.788 hộ bị ảnh hưởng do hồ tiêu chết với diện tích hơn 500 ha.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 5.547 ha hồ tiêu của 32.278 hộ bị chết. Trong đó, hơn 4.535 ha hồ tiêu chết do mưa kéo dài gây thối rễ; 56,6 ha chết do già cỗi và hơn 955 ha chết do sâu bệnh. Tình trạng trên cộng với giá hồ tiêu xuống thấp đã đẩy hàng ngàn hộ trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh lâm vào cảnh khốn đốn. Gặp chúng tôi khi đang phá bỏ vườn hồ tiêu chết để chuyển sang trồng cây ăn quả, ông Hà Văn Được (làng Tao Kó, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) chia sẻ: “Tôi trồng hồ tiêu từ năm 1990. Mấy năm gần đây, tôi và nhiều người dân vay tiền ngân hàng mua thêm đất mở rộng diện tích với mong muốn cây hồ tiêu sẽ cho thu nhập cao. Thế nhưng, từ năm 2017 đến nay, giá hồ tiêu xuống thấp, rồi cây chết hàng loạt. Đã không làm giàu được mà nay chúng tôi còn gánh thêm nợ nần. Giờ tôi phải chặt bỏ diện tích hồ tiêu để trồng các cây ngắn ngày mong sớm có thu nhập để vừa trang trải cuộc sống, vừa trả nợ ngân hàng”.
Nói về gia cảnh hiện nay, ông Đạo cũng không giấu được nỗi buồn: “Năm 2017, tôi đã tích góp tiền bạc xây được ngôi nhà gần 900 triệu đồng. Thế nhưng, đầu năm 2018, tôi phải bán căn nhà cùng với 300 m2 đất để trả nợ”. Hoàn cảnh của gia đình ông Đạo cũng chính là tấn bi kịch mà hàng ngàn hộ trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đang gặp phải.
 VĨNH HOÀNG-LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm