Chính trị

Tin tức

Thủ tướng Abe: Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Chính phủ VN

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 8/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chủ trì Lễ đón chính thức Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam tại Dinh Thủ tướng Nhật Bản ở thủ đô Tokyo.

 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước báo chí, sau hội đàm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước báo chí, sau hội đàm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)



Sau Lễ đón, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã dẫn đầu Đoàn đại biểu Cấp cao hai nước tiến hành hội đàm.

Kết thúc hội đàm, hai người đồng cấp đã cùng nhau chứng kiến Lễ trao các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước và đồng chủ trì họp báo, thông tin với các cơ quan báo chí về kết quả hội đàm.

Hai Thủ tướng đã chứng kiến trao Công hàm trao đổi dự án viện trợ không hoàn lại gồm:

Tăng cường năng lực kiểm nghiệm cho Trung tâm Kiểm nghiệm kiểm chứng và Tư vấn chất lượng Nông lâm thủy sản để đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.

Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực chính sách biển và Đại dương giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Văn phòng Nội các Nhật Bản.

Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác về thương mại và công nghiệp giữa Bộ Công Thương Việt Nam và tỉnh Wakayama, Nhật Bản.

Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản trong lĩnh vực phòng cháy chửa cháy.

Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Cơ quan cảnh sát quốc gia, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản về lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Bản ghi nhớ giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Liên đoàn bóng đá Nhật Bản.

Bản ghi nhớ hợp tác y tế về phục hồi chức năng chất lượng cao cho bệnh nhân điều trị bệnh thần kinh sọ não giữa Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Kitahara, Nhật Bản.

Bản ghi nhớ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Tập đoàn Mizuno Nhật Bản về hợp tác phát triển giáo dục thể chất trong trường tiểu học của Việt Nam.

 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực chính sách biển và đại dương giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Văn phòng Nội các Nhật Bản. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực chính sách biển và đại dương giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Văn phòng Nội các Nhật Bản. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)



Ngoài ra, hai Thủ tướng cũng đã chứng kiến phần Ký kết hợp đồng BOT giữa Bộ Công thương và Tập đoàn Sumitomo và Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện lực Vân Phong về Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1.

Phát biểu tại họp báo, thay mặt Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe gửi lời chia buồn sâu sắc trước việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vừa từ trần.

Thủ tướng Shinzo Abe nêu rõ sự tăng trưởng bền vững của Việt Nam đóng vai trò quan trọng cho sự hòa bình và thịnh vượng của khu vực Mekong, một khu vực năng động. Phía Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Chính phủ Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở chất lượng cao, cải cách hành chính, phát triển công nghiệp, nâng cao năng suất lao động, năng lượng.

Vui mừng nhận thấy Chính phủ và nhân dân hai nước tưng bừng tổ chức kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với 200 sự kiện diễn ra tại hai nước, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết sang năm 2019, hai nước sẽ tổ chức Năm giao lưu Nhật Bản-Mekong 2019, Nhật Bản sẽ mở rộng hơn nữa các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Nhật Bản đang nghiên cứu chi tiết hướng tới xây dựng cơ chế mới về tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài; khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo và giao lưu nguồn nhân lực giữa hai nước thông qua Sáng kiến sức khỏe châu Á và Sáng kiến về giáo dục tiếng Nhật.

Đồng thời, hai bên nhất trí thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý hoạt động các công ty môi giới và cơ sở tiếp nhận lao động Việt Nam sang Nhật Bản bất hợp pháp.

Nhấn mạnh Nhật Bản và Việt Nam là đối tác dẫn đầu mạnh mẽ về xúc tiến thương mại tự do, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang lan tỏa trên thế giới, hai nước sẽ tiếp tục đưa ra thông điệp mạnh mẽ về xúc tiến thương mại, đầu tư tự do và công bằng thông qua Hiệp định CPTPP và RCEP.

Thủ tướng Shinzo Abe cho biết sẽ tích cực hợp tác chặt chẽ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để đóng góp vào thành công của Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản; qua đó, góp phần nâng cao thành tựu hợp tác song phương, trở thành động lực cho sự phát triển của cả khu vực.

Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng nhất trí tăng cường phối hợp hơn nữa trong các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề Triều Tiên và Biển Đông," đồng thời bày tỏ quyết tâm đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu góp phần vào hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.


 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí, sau khi kết thúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí, sau khi kết thúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)



Về phần mình, phát biểu tại buổi họp báo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chân thành cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, tình cảm chân thành của Thủ tướng Shinzo Abe, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho Thủ tướng và Đoàn cấp cao Việt Nam nhân chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 10, đúng vào dịp hai nước tổ chức kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, một lần nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về những thiệt hại, mất mát của nhân dân Nhật Bản do hậu quả nặng nề của cơn bão Trami vừa qua.

Thông tin đến báo giới về thành công của cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới toàn diện và thực chất hơn nữa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thêm hai bên nhất trí tăng cường tin cậy chính trị thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao thường xuyên, tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, tăng cường hợp tác thực chất an ninh quốc phòng, giao lưu nhân dân.

Hai bên khẳng định tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế, đẩy mạnh đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam; tăng cường hợp tác trong các dự án lớn về xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng phó biến đổi khí hậu, triển khai chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam; tiếp tục phối hợp sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn ưu đãi của Nhật Bản.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao năng suất lao động, nông nghiệp chất lượng cao, môi trường, giáo dục đào tạo, văn hóa du lịch, y tế, thể thao, phòng cháy chữa cháy, giao lưu nhân dân giữa các địa phương.

Hai bên cũng nhất trí hợp tác đóng góp vào thành công của Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản và thúc đẩy quan hệ ASEAN-Nhật Bản trong bối cảnh Việt Nam giữ vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đã thông qua Hiệp định CPTPP. Hiện hai nước Việt Nam-Nhật Bản cũng đang tích cực thúc đẩy RCEP.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ những nỗ lực, sáng kiến của Nhật Bản nhằm bảo đảm sự thịnh vượng về kinh tế, tự do về thương mại và an toàn hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia vì mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và thế giới. Việt Nam coi trọng uy tín và vai trò của Nhật Bản trong bối cảnh hiện nay.

Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng cho biết hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông; kiềm chế không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, gây xói mòn lòng tin; ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS), tôn trọng các tiến trình ngoại giao, pháp lý; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và có hiệu lực pháp lý.

Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm