Kinh tế

Tài chính

Thủ tướng: Chậm giải ngân đầu tư công, phải kiểm điểm người đứng đầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc giải ngân 30 tỉ USD vốn đầu tư công là yêu cầu được đặt ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc áp dụng chế tài nếu các bộ, ngành và địa phương không thực hiện nghiêm vấn đề này.
 
Thủ tướng yêu cầu có biện pháp kỷ luật nếu để chậm giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh: VGP/QUANG HIẾU
Chiều 8-4 tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp chuẩn bị Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để tháo gỡ khó khăn về sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết an sinh xã hội, tăng cường an ninh trật tự và an toàn xã hội, dự kiến được tổ chức vào ngày 10-4. 
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp có ý nghĩa quan trọng bởi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý 1 chỉ đạt 3,82%. Nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều ngành hoạt động cầm chừng và nguy hiểm hơn nếu dịch bệnh kéo dài. 
Thủ tướng yêu cầu tại hội nghị, Bộ Lao động, thương binh và xã hội sẽ giới thiệu về gói an sinh xã hội, Bộ Công an có báo cáo về các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. 
Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ có báo cáo về những khó khăn đối với sản xuất kinh doanh, đánh giá việc triển khai cụ thể chỉ thị 11 và giải ngân vốn đầu tư công. Bộ Tài chính có báo cáo về gói tài khóa hỗ trợ nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ có báo cáo về gói hỗ trợ về chính sách tiền tệ.
Thủ tướng lưu ý thêm là mỗi nội dung nêu trên sẽ có một báo cáo lớn, trong đó nêu rõ các gói hỗ trợ về tài khóa (đến nay, vào khoảng 180.000 tỉ đồng), gói hỗ trợ tiền tệ, gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỉ đồng)... 
"Phải thể hiện Việt Nam là điểm đến an toàn để đầu tư. Việt Nam đã có tiếng tốt rồi, một quốc gia an toàn, đầu tư thuận lợi để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào Việt Nam. Tinh thần đó để không chỉ nói về vốn đầu tư công mà thu hút cả đầu tư xã hội" - Thủ tướng nhấn mạnh. 
Đối với lĩnh vực đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu các, cấp ngành, địa phương phải nhận thức trách nhiệm lớn, gắn với việc phải có chế tài mạnh để giải ngân cho hết gần 30 tỉ USD. 
"Phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặt ra đối với chính quyền các cấp, các bộ, ngành các cơ quan trung ương. Một tinh thần, chế tài đặt ra là cơ quan nào, bộ ngành nào, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, phải trực tiếp kiểm điểm. Chế tài thứ hai là nếu không hoàn thành, hoặc đến tháng 9 không giải ngân được thì sẽ điều chuyển vốn sang đơn vị khác" - Thủ tướng nhấn mạnh. 
Thủ tướng yêu cầu tại hội nghị tới Bộ Tài chính cần nêu các giải pháp cấp bách về ngân sách nhà nước, nhất là các giải pháp thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho người dân và doanh nghiệp. 
Với việc giảm nguồn thu ngân sách thì bộ cần có giải pháp tính toán cân đối nguồn thu; trong đó nguồn rất quan trọng để đảm bảo phục vụ chống COVID-19 và an sinh xã hội là tiết kiệm chi thường xuyên, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài. 
Không bắt doanh nghiệp phải trả nợ trong hoàn cảnh khó khăn
Về gói hỗ trợ tiền tệ, hiện nâng lên khoảng 300.000 tỉ đồng, Thủ tướng nêu rõ tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, không bắt doanh nghiệp phải trả nợ trong bối cảnh khó khăn, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh. Không được để tình trạng nơi nào quen biết thì cho hưởng lãi suất thấp, nơi nào không quen biết thì để như cũ.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục tính toán việc giảm lãi suất cho vay, ngành ngân hàng cần lưu ý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về tiếp tục miễn, giảm tiền lãi, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất với tinh thần ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, "doanh nghiệp sống được, ngân hàng sống được".

Ngọc An (TTO)

Có thể bạn quan tâm