TN - Đất & Người

Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, xử lý tình trạng mất rừng tại Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, xử lý thông tin cơ quan báo chí phản ánh về việc liên tiếp phát hiện các vụ phá rừng ở huyện Lâm Hà, Đam Rông, Lạc Dương và tình trạng mất rừng sau khi giao cho doanh nghiệp tại Lâm Đồng.
 
Rừng thông vừa bị phá thuộc đất dự án của Công ty TNHH Thuỷ điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Rừng thông vừa bị phá thuộc đất dự án của Công ty TNHH Thuỷ điện và Du lịch sinh thái Thác Rồng, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Trong đó, các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động trồng, phát triển rừng nhưng để mất diện tích rừng quy mô lớn, bị xử phạt hơn 200 tỷ đồng nhưng mới truy thu được dưới 10% số tiền phạt.

Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, hiện trên địa bàn có 53 doanh nghiệp phải bồi thường hơn 253 tỷ đồng do để xảy ra mất rừng (thiệt hại về lâm sản) và thiệt hại về môi trường. Tuy nhiên đến nay các doanh nghiệp này mới nộp được hơn 10 tỷ đồng. Đây được coi là những món nợ “khó đòi” khi chế tài xử lý đối với người đứng đầu các doanh nghiệp còn chưa rõ ràng.
Nhiều dự án nhận đất rừng nhưng để mất rừng quy mô lớn như:
Dự án của Khu Du lịch sinh thái thác Đạ Sar được UBND tỉnh Lâm Đồng giao hơn 116,5ha đất rừng thuộc một phần các tiểu khu 117, 118, 133, 142, 143. Đến nay trong tổng số đất rừng được giao đã bị mất tới 45,8ha, trữ lượng gỗ cũng giảm tới 6.158m3 so với trước thời điểm nhận dự án.
Dự án của Công ty TNHH Thành Phong để mất 27,9ha rừng, trong đó có tới 11,3ha thuộc quy hoạch rừng phòng hộ xung yếu, 8,2ha thuộc rừng sản xuất. Tổng trữ lượng gỗ bị mất là 1.759m3.
Công ty TNHH An Việt Thế Kỷ 21 (trên địa bàn huyện Bảo Lâm) để mất 32,1, trữ lượng gỗ thiệt hại hơn 2.400m3.
 Dự án do Công ty cổ phần Quốc An (tại huyện Đức Trọng) để mất 43,7ha (toàn bộ là rừng tự nhiên), thiệt hại gần 700m3.
Dự án thuộc Công ty TNHH thương mại dịch vụ bất động sản Di Đức 3 (tại huyện Đức Trọng) để mất 19,1ha (trong đó có 18,82ha rừng tự nhiên), tổng trữ lượng lâm sản bị thiệt hại 1.418m3.
Dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch sinh thái và trồng cây dược liệu trên địa bàn TP Đà Lạt do Công ty cổ phần du lịch Thiên Đường Đà Lạt làm chủ đầu tư sau khi nhận đất đến nay cũng đã để mất, lấn chiếm 8,7ha (trong đó có 0,2ha đất bị lấn chiếm), trữ lượng gỗ thiệt hại 209,7m3…
ĐOÀN KIÊN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm