Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Thủ tướng chỉ đạo xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Facebook, YouTube

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngoài yêu cầu giám sát an toàn không gian mạng, Thủ tướng còn chỉ đạo Bộ TTTT xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hoạt động tại Việt Nam như Facebook, YouTube.

Sáng 30/10, Phó thủ tướng Thương trực Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo thực hiện các nghị quyết Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Báo cáo có nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, trong đó có việc giám sát an toàn không gian mạng.

Theo báo cáo, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Trung tâm này đảm nhận nhiệm vụ tự động rà soát, phát hiện, đánh giá thông tin trên mạng.

Đồng thời có thể chỉ đạo các nhà mạng triển khai các giải pháp kỹ thuật mới để ngăn chặn hiệu quả sự phát tán của thông tin xấu độc, phản cảm trên các trang web, mạng xã hội có tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài.

Báo cáo cũng cho biết Thủ tướng đang chỉ đạo xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội Việt Nam, mục đích nhằm xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam.


 

Theo Bộ TTTT, Việt Nam có khoảng 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, chủ yếu là các trang như Facebook, YouTube...
Theo Bộ TTTT, Việt Nam có khoảng 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, chủ yếu là các trang như Facebook, YouTube...


Đồng thời, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh việc trao đổi, hợp tác với Facebook, Google nhằm ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng trên 2 mạng xã hội Facebook và YouTube.

Trước đó vào tháng 3, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với các nhà cung cấp dịch vụ, mạng xã hội và người sử dụng mạng xã hội.

Cũng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ TTTT nghiên cứu, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp về quản lý, kinh tế, kỹ thuật; yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý thông tin thuê bao đối với các thuê bao phát triển mới.

Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông di động như VNPT, Viettel, MobiFone, Gmobile và Vietnamobile rà soát, hướng dẫn khách hàng để cập nhật, đăng ký lại thông tin; khuyến khích phát triển thuê bao di động trả sau bằng biện pháp kinh tế.

Bộ TTTT đã triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn việc phát tán tin nhắn rác trên điện thoại di động; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động viễn thông.

Theo báo cáo, Chính phủ cũng xác định rõ ngành công nghiệp nội dung số là yếu tố quan trọng giúp duy trì sự tăng trưởng của ngành viễn thông, là môi trường kinh doanh, sáng tạo cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần thiết lập môi trường để triển khai nền kinh tế số của Việt Nam trong thời gian tới.

Để phát triển hệ sinh thái nội dung số trong nước, Chính phủ đã chỉ đạo đánh giá tổng quan về hiện trạng, tiềm năng phát triển, điểm mạnh điểm yếu, những rào cản, thiếu hụt về mặt chính sách, pháp luật, làm việc với các doanh nghiệp nội dung số có thị phần lớn trong các lĩnh vực mạng xã hội, tìm kiếm, thương mại điện tử nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; xây dựng và hoàn thiện đề án thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái nội dung số.

Hiếu Công (zing)
 

Có thể bạn quan tâm