Chính trị

Tin tức

Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Nghị quyết 01 năm 2019

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương “xắn tay áo” để triển khai quyết liệt nhiệm vụ.
 Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Nghị quyết 01 năm 2019.
Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Nghị quyết 01 năm 2019.
Chiều 27/11, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp, thảo luận về dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; nghe và cho ý kiến đối với việc xây dựng Nghị quyết 19 năm 2019 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nội dung nghị quyết phải làm rõ các nhiệm vụ của các bộ, ngành, thực hiện nghiêm Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội. Các chỉ tiêu nêu trong Nghị quyết phải mang tính phấn đấu cao hơn với tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo.  
Quán triệt phát huy dân chủ rộng rãi, Thủ tướng yêu cầu, sau khi hoàn thiện dự thảo, cần tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành với tinh thần là không chỉ thực hiện những chỉ tiêu pháp lệnh Đảng, Quốc hội giao mà còn giải quyết cả các bức xúc, điểm nghẽn trong xã hội. Điều đó để đảm bảo nghị quyết có sức sống, bám sát thực tiễn.
Đối với dự thảo Nghị quyết 19, Thủ tướng quán triệt, cần sớm ban hành ngay từ đầu năm, cùng thời điểm với Nghị quyết 01, với quan điểm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo đó, cần tính toán kỹ các mục tiêu, chỉ tiêu với quyết tâm phấn đấu cao nhất, rõ ràng, minh bạch hơn và dễ giám sát, đánh giá. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải trực tiếp chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu cụ thể; có chế tài xử lý cương quyết, công khai các bộ, ngành, địa phương không thực hiện tốt, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh.
Trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, không được chủ quan, tăng trưởng nhanh nhưng quan trọng là phải giữ được sự ổn định vĩ mô và tâm lý kỳ vọng tích cực. Trong đó, cần có biện pháp để kiểm soát và tính toán cả những giá trị của khu vực kinh tế không chính thức.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tái cơ cấu ngân sách để bảo đảm đầu tư, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên một cách thực sự; kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng lãng phí. Trong đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quyết liệt giải ngân theo đúng kế hoạch, giảm chi phí cơ hội vốn đầu tư công; thúc đẩy một số công trình quan trọng. Cùng với đó là xử lý dứt điểm các tồn tại, bất cập về BOT, BT theo Nghị quyết của Quốc hội.
Thường trực Chính phủ đã họp, thảo luận về dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Thường trực Chính phủ đã họp, thảo luận về dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ.
Nhấn mạnh xã hội rất quan tâm đến đề án cải cách thuế để trình Quốc hội xem xét, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính cần đặc biệt quan tâm vấn đề này để người dân hiểu, ủng hộ, trái hiểu sai, hiểu nhầm.
Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử, đẩy mạnh thanh toán điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển doanh nghiệp công nghệ, nhất là doanh nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ liên quan phải triển khai việc đưa công nghệ vào Việt Nam một cách hiệu quả.
Cùng với các lĩnh vực đó, Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết cần đề cập nhiều hơn đến lĩnh vực xã hội, một lĩnh vực có nhiều vấn đề người dân quan tâm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự thảo Nghị quyết 01 gồm 3 phần; phần 1 về bối cảnh tình hình và phương châm hành động, trọng tâm chỉ đạo điều hành của chính phủ năm 2019; phần 2 là những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2019 gồm 9 nhóm, cụ thể và phần 3 là các giải pháp tổ chức thực hiện Nghị quyết và các phụ lục kèm theo.
Phụ lục các nhiệm vụ giải pháp, cụ thể của các bộ, ngành, địa phương, thống nhất xây dựng như năm 2018, nhưng chắt lọc những nhiệm vụ thật sự quan trọng, trọng tâm, có tính lan tỏa để đưa vào Nghị quyết, gắn với việc quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu và trao quyền chủ động cho các bộ, ngành, địa phương lựa chọn đưa vào chương trình hành động, văn bản điều hành của bộ, ngành, địa phương mình để thực hiện.
Phụ lục sẽ là bước phân công cụ thể các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, đề án lớn và các nhiệm vụ điều tra cơ bản theo đề xuất của các bộ, ngành, địa phương.
Vũ Dũng (VOV)

Có thể bạn quan tâm