Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 4 đến 6-6, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn giáo sư Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản, về những tác động tích cực từ chuyến thăm này đối với quan hệ song phương và triển vọng phát triển của quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Nhật Bản, tháng 5-2016. |
Theo giáo sư Ohno, Việt Nam luôn nằm trong nhóm 5 nước được các doanh nghiệp Nhật Bản ưa thích nhất.
Ngoài cuộc điều tra của JETRO, có nhiều cuộc điều tra trong các ngành chế tạo của Nhật Bản cho thấy Việt Nam là quốc gia được các doanh nghiệp Nhật Bản ưa chuộng nhất. Việt Nam luôn chiếm vị trí số một, tiếp theo là Thái Lan, Philippines và Indonesia.
Việt Nam và Thái Lan luôn cạnh tranh nhau vị trí điểm đầu tư được doanh nghiệp Nhật Bản ưa chuộng nhất. Thời điểm hiện tại, tình hình Thái Lan không được ổn định vì vậy Việt Nam tiếp tục dẫn đầu. Chính vì lý do này, Việt Nam rất được các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản quan tâm.
Giáo sư cho rằng quá trình các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới. Các doanh nghiệp này vốn hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ, từ đó những doanh nghiệp này có mong muốn đầu tư vào những ngành khác ở Việt Nam mà các tập đoàn lớn không đảm nhận.
Giáo sư Ohno nhận định Việt Nam cần thu hút được các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao.
Để sự hợp tác kinh tế giữa hai nước được hiệu quả hơn, ông bày tỏ mong muốn Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để các doanh nghiệp Nhật Bản có thể giao phó các vai trò lớn hơn như quản lý nhà máy, giám đốc bộ phận, trưởng phòng các cơ sở, nhà máy tại Việt Nam cho các nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.
Ông khẳng định điều này không chỉ có lợi cho Việt Nam mà còn là sự hỗ trợ cần thiết cho Nhật Bản trong bối cảnh tình hình thiếu lao động đang ngày một căng thẳng hơn.
Giáo sư Ohno nhận định việc lãnh đao cấp cao hai nước liên tục có các chuyến thăm lẫn nhau đã chứng tỏ quan hệ của hai nước đang trong giai đoạn chín muồi. Vì vậy, chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang ý nghĩa khẳng định lại một mối quan hệ song phương hữu nghị, ổn định. Giáo sư tin tưởng trên cơ sở này, quan hệ hai nước sẽ có một bước tiến mới.
Giáo sư Ohono cho biết ông đã đến Việt Nam từ năm 1995 và giờ đây mỗi lần trở lại, ông nhận thấy, kinh tế Việt Nam phát triển, hạ tầng đã được cải thiện đáng kể, cuộc sống của người dân đã sung túc hơn, phố phường đẹp hơn.
Giáo sư khẳng định quan hệ Việt-Nhật là một mối quan hệ đặc biệt tốt đẹp trên nhiều phương diện, từ chính trị, kinh tế, giao lưu nhân dân, là mối quan hệ tốt đẹp hiếm có trên thế giới.
Cùng ngày, Giáo sư Fujimoto Koji, chuyên ngành nghiên cứu hợp tác quốc tế, Đại học Takushoku ở Tokyo cũng đã đánh giá về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Giáo sư Fujimoto cho rằng Việt Nam có lực lượng lao động Việt Nam trẻ và chi phí nhân công rẻ là một trong những yếu tố quan trọng giúp giảm chi phí sản xuất.
Ngoài ra, chất lượng của đội ngũ nhân lực Việt Nam đang được cải thiện nhanh chóng nhờ vào tinh thần cầu tiến, ham học hỏi. Theo Giáo sư, đây chính là những lý do quan trọng thúc đẩy các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam.
Giáo sư Fujimoto nhận định trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đóng góp lớn cho mọi mặt trong quan hệ hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
Theo Giáo sư Fujimoto, các doanh nghiệp Nhật Bản rất cần Chính phủ Việt Nam tiếp xúc trực tiếp với họ, cho họ biết suy nghĩ, cũng như những cách thức mà Việt Nam chào mời các nhà đầu tư Nhật Bản.
Giáo sư tin rằng nếu Việt Nam giải thích rõ cho các doanh nghiệp Nhật Bản về môi trường đầu tư, giúp các doanh nghiệp Nhật Bản có thể dễ dàng nắm bắt những đặc thù của Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động, điều này sẽ giúp cho tình hình kinh tế ngày càng phát triển tốt.
Theo TTXVN