Chính trị

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 31-12, tại TP. Hà Nội diễn ra hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề “Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại. Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và đại diện nông dân toàn quốc.

Hội nghị diễn ra với hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và trực tuyến tới điểm cầu trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai, các đồng chí: Dương Mah Tiệp-Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Anh Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố và các hợp tác xã, hộ nông dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

1735626944808.jpg
Các đại biểu tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai lắng nghe ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: P.L

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Lương Quốc Đoàn-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 diễn ra vào thời điểm nhiều ý nghĩa và rất quan trọng, khi nước ta đang chuẩn bị đầy đủ thời cơ, điều kiện thuận lợi để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình dân tộc. Đồng thời, tạo cơ sở để có kết quả tổng kết, từ đó đưa ra những dự báo, nhận định xây dựng chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tới, nhất là trong bối cảnh các địa phương đang chuẩn bị công tác Đại hội Đảng các cấp.

Do đó, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 có ý nghĩa rất lớn và rất cần thiết để Thủ tướng Chính phủ trực tiếp lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của các nông dân, hợp tác xã, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Hội nghị năm nay diễn ra với nhiều nét mới. Trước đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức 2 Diễn đàn “Lắng nghe nông dân nói” vào tháng 10 và tháng 11-2024. Tại các địa phương đã diễn ra 63 Hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đối thoại với nông dân.

Tại các diễn đàn, hội nghị, nhiều vấn đề cụ thể về từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương đã cơ bản được thảo luận, thống nhất và giải quyết trên tình thần cởi mở, thẳng thắn. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề lớn, cần có quyết sách, chính sách thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là: Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.

Xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia. Cơ chế, chính sách để hướng tới mục tiêu Netzero, triển khai Đề án phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải; phát triển tín chỉ carbon.

Cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, các hợp tác tại các vùng chuyên canh, nhất là đối với người trồng lúa; hỗ trợ thúc đẩy tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất quy mô lớn; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp. Giải quyết và tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, các tranh chấp pháp lý quốc tế, đảm bảo hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, ổn định thị trường xuất khẩu hàng hóa nông sản. Chính sách về tiếp tục khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt đối với các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa chịu ảnh hưởng do thiên tai và cơn bão Yagi.

Đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn (tiếp cận bình đẳng các nguồn lực, dịch vụ cơ bản, phúc lợi xã hội). Cơ chế, chính sách để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, đề án, kế hoạch được nêu tại Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 11-5-2024 của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20-12-2023 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

e9a640234acbbc374416bd09ab4a237c.jpg
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: P.L

Tại hội nghị đối thoại, các đại biểu nông dân, hợp tác xã đã nêu các ý kiến, kiến nghị về nhiều vấn đề, gồm: vướng mắc về cơ chế, pháp lý để tổ chức kinh tế tập thể; chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản hiện đại gắn với vùng nguyên liệu tập trung; khó khăn trong tiếp cận dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp…Những thắc mắc, kiến nghị của các đại biểu đã được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương trực tiếp trả lời, giải đáp thấu đáo.

Phát biểu kết luận hội nghị đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và cảm ơn sự đóng góp của ngành nông nghiệp, nông thôn, nông dân với sự phát triển của đất nước và chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Để thúc đẩy nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, đề nghị bà con nông dân tiếp tục góp ý để cùng nhau xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách. Công tác quy hoạch cần được quan tâm hơn nữa, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Phải tiếp tục rà soát pháp luật, quy định để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai; khai thác không gian ngầm để mang lại lợi ích cho nông dân, phát huy sức mạnh của nông dân, nông thôn, nông nghiệp. Đồng thời, phải khuyến khích nông dân đóng bảo hiểm; doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân để bảo đảm đầu vào, đầu ra cho sản xuất; đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng.

Nhà nước phải tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của người nông dân, người nông dân phải bảo đảm chất lượng và xây dựng thương hiệu cho nông sản. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, số hóa nông nghiệp, nghiên cứu, tiếp cận, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, công nghệ xanh. Cần quan tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi nhân lực từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp và đô thị. Hệ thống chính trị cơ sở phải thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nông dân và chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người nông dân. Đồng thời, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách dựa trên cơ sở thực tiễn; ở cơ sở phải huy động sức mạnh tổng lực của hệ thống chính trị, của người dân và doanh nghiệp để phục vụ sự phát triển.

Có thể bạn quan tâm