Tham dự phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp cùng các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai nghe phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: Anh Huy |
Báo cáo tại hội nghị nêu: Năm 2022, công tác cải cách hành chính đã đạt được những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ và thực hiện chuyển đổi số...
Cụ thể, trong năm 2022 Chính phủ đã tổ chức 9 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; trình Quốc hội thông qua đối với 12 dự án luật, 6 nghị quyết. Các bộ, ngành đã ban hành 403 thông tư và tham mưu, trình Chính phủ ban hành 131 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 29 quyết định. Cả nước đã tổ chức 549.271 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp; phát miễn phí hơn 62 triệu bản tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật.
Các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 2.358 quyết định công bố thủ tục hành chính (TTHC) sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý; cắt giảm 1.041 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025, trong đó yêu cầu các bộ, ngành ưu tiên rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đối với 59 TTHC/nhóm TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước trên 12 lĩnh vực quản lý nhà nước. Tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn tại các bộ, ngành là 99,96%; tại cấp tỉnh là 99,33%; cấp huyện là 98,27% và cấp xã là 99,56%.
Trong năm 2022, các bộ, ngành Trung ương đã giảm 17 tổng cục và tương đương; giảm 8 cục và 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ. Ở địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Ở bộ, ngành Trung ương và địa phương giảm 1.042 đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương giao biên chế giai đoạn 2022-2026 của cả hệ thống chính trị, theo đó đến năm 2026 thực hiện giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, giai đoạn 2022- 2026 bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục, trong đó, năm học 2022-2023 đã giao 27.850 biên chế viên chức giáo dục. Giai đoạn 2020-2022, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tuyển dụng 18.867 công chức và 125.104 viên chức; rà soát, xử lý gần 100.000 trường hợp sai phạm trong công tác tuyển dụng, trong đó thu hồi quyết định tuyển dụng trên 1.200 trường hợp (từ năm 2020 đến tháng 6-2022).
Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đến nay 100% bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số; 63/63 địa phương đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng thu hút hơn 320 nghìn thành viên tham gia. 100% bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương đã có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Năm 2022, tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC đạt 52,80%, tăng 17,50% so với năm 2021...
Các đại biểu tham gia phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh. Ảnh: Anh Huy |
Tại phiên họp, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ và đại diện các bộ, ngành, địa phương đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tập trung thảo luận làm rõ kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện trong năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện cải cách hành chính, nhất là Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính các cấp. Sau khi chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế cần, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng có những giải pháp cụ thể, lộ trình rõ ràng để khắc phục. Đồng thời tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhất là 3 đột phá chiến lược; đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính; khẩn trương rà soát, hướng dẫn, chuẩn hóa quy trình, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP; ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Khẩn trương nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để thực thi các phương án phân cấp trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường ý thức kỷ luật, kỷ cương hành chính, thanh tra, kiểm tra thực thi công vụ; đổi mới phương pháp, lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại...
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt chủ đề điều hành năm của Chính phủ là “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả” nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, hành động, có sản phẩm với hiệu quả cụ thể, đo lường được. Từ đó giảm chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; góp phần phòng-chống tham nhũng và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả vì mục tiêu xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.