(GLO)- Ngày 21-2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp. Dự hội nghị tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng cùng lãnh đạo một số sở, ngành.
“Cú đấm thép” phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp của nước ta có bước phát triển đáng kể; đã hình thành hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế mỗi năm khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông nghiệp và hiện có khoảng 7.500 cơ sở chế biến, bảo quản nông sản quy mô công nghiệp. Số lượng cơ sở chế biến có quy mô công nghiệp của một số ngành hàng chủ lực như: xay xát gạo 580 cơ sở, chế biến rau củ quả 150 cơ sở, chế biến cà phê 239 cơ sở, chế biến cao su 161 cơ sở, chế biến gỗ 4.500 cơ sở, chế biến thủy sản 636 cơ sở... Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2019 của nước ta đạt 41,3 tỷ USD, bình quân tăng 8-10%/năm. Ngoài ra, mức độ cơ giới hóa trong nông nghiệp tăng so với năm 2011, trong đó, số lượng máy kéo tăng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%, máy sấy nông sản tăng 29%.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Lê Nam |
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, mức độ cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn thấp. Trang bị động lực bình quân trên héc ta đất còn thấp so với các nước trong khu vực (chỉ bằng 40% so với Thái Lan). Cơ khí trong nước chưa đáp ứng nhu cầu về máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; chủng loại, số lượng máy móc còn thấp và chưa đồng bộ. Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp còn hạn chế…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Nông nghiệp Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng, có thể làm giàu từ nông nghiệp và chúng ta đang phấn đấu đứng trong tốp 10 của thế giới. Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải xác định được những vướng mắc, những vấn đề chưa làm được trong các khâu từ sản xuất đến chế biến trong nông nghiệp thời gian qua. Từ đó, đề xuất Chính phủ tập trung vào những chính sách được coi là “cú đấm thép” để tháo gỡ, phát triển cơ giới hóa và chế biến nông sản trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần lắng nghe, tiếp thu, vận dụng phù hợp và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để đón các thời cơ mới, điều kiện mới của Việt Nam. Thủ tướng cũng chỉ rõ tầm quan trọng của việc tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao vai trò của thị trường trong nước. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp của chúng ta còn rất thấp so với các quốc gia trong khu vực nên cần tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm tỷ lệ lao động thủ công trong nông nghiệp. Xây dựng thương hiệu, quy hoạch nguồn nguyên liệu có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, cần đào tạo nguồn nhân lực về lao động và quản lý; khuyến khích liên kết trong sản xuất, kết nối chuỗi trong phát triển nông nghiệp. Các địa phương cần phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, nông nghiệp sạch. “Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển cơ giới hóa và công nghiệp chế biến trong nông nghiệp. Phải phấn đấu đứng tốp 5 thế giới về chế biến rau củ quả, thủy hải sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Sớm xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Đồng thời, triển khai những chương trình khoa học công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trong việc nâng cấp công nghệ chế biến nông-lâm-thủy sản”-Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Gia Lai ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến sâu
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là doanh nghiệp đi đầu trong chế biến cà phê ở Gia Lai. Ảnh: ĐỨC THỤY |
Năm 2019, giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản của tỉnh Gia Lai đạt 28.521 tỷ đồng. Cơ cấu cây trồng được điều chỉnh phù hợp lợi thế địa phương gắn với thị trường và có nhiều mô hình sản xuất rau quả, hoa ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ cho thu nhập tăng thêm 30-40% trên cùng một diện tích. Năm 2019, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 533.441 ha, trồng rừng 5.139 ha. Toàn tỉnh hiện có hơn 14.000 con trâu, hơn 385.800 con bò, hơn 308.700 con heo; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 14.410 ha. Đến nay, toàn tỉnh có 7.905 cơ sở chế biến nông-lâm-thủy sản. Tổng máy móc, thiết bị, động cơ phục vụ cho sản xuất nông-lâm nghiệp-thủy sản là 226.678 chiếc. Tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp không ngừng được nâng cao, nhiều loại máy móc, thiết bị đã được đưa vào sử dụng, góp phần đảm bảo thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất và nâng cao năng suất, giảm sức lao động, thay đổi dần cách canh tác thủ công của nông dân.
Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Sở sẽ đề xuất UBND tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến kết hợp với các biện pháp về tổ chức sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Năm 2020, tỉnh ta phấn đấu kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông-lâm-thủy sản đạt trên 540 triệu USD. “Ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những chính sách hỗ trợ phát triển cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp và hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa các khâu làm đất, tưới nước, chăm sóc, bón phân và thu hoạch phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi, trập trung vào một số vùng sản xuất hàng hóa lớn. Xây dựng mô hình trình diễn về ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp. Xây dựng cánh đồng có quy mô lớn để đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào phục vụ sản xuất. Khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ liên kết với doanh nghiệp chế biến để sử dụng tối đa máy móc trong các khâu từ sản xuất đến vận chuyển và chế biến”-ông Có cho biết thêm.
LÊ NAM