Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tìm nguồn lực mới để phát triển đất nước, không vì thể chế, cơ chế mà bế tắc phát triển hạ tầng nước ta.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. |
Sáng 28-2, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, lãnh đạo các Bộ có liên quan.
Cùng với yêu cầu phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, Nghị quyết 13 chỉ đạo tập trung nguồn lực cho 4 lĩnh vực trọng tâm, trong đó tập trung cho phát triển hạ tầng giao thông; hạ tầng cung cấp điện; hạ tầng thủy lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu; và hạ tầng đô thị lớn. Từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này.
Tại cuộc họp, các Bộ đã đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 13 của Trung ương tại ngành mình, đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng thời gian tới. Trong đó, có đề xuất về việc hình thành Quỹ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên cơ sở góp vốn của các ngân hàng; sớm ban hành Luật về đầu tư công – tư để thu hút nguồn lực đầu tư và tạo sự đồng thuận xã hội; nghiên cứu huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài…
Lãnh đạo 2 Thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đề xuất giải pháp phát triển hạ tầng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các đường vành đai, giao thông nội đô để giảm quá tải và ùn tắc.
Các ý kiến cũng đề nghị tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ ngành địa phương để đảm bảo việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng của các ngành, có sự đồng bộ và tránh lãng phí, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, điện nước và viễn thông.
Bên cạnh đó là cần sớm hướng dẫn triển khai Luật quy hoạch mới, rà soát các quy hoạch gắn với tái cấu trúc nền kinh tế; khẩn trương xây dựng Tổng sơ đồ điện 8 trên cơ sở cân đối cung cầu điện cho nền kinh tế. Trong phát triển hạ tầng cần lồng ghép các giải pháp ứng phó tác động của biến đổi khí hậu nước biển dâng và tác động khác làm gia tăng rủi ro thiên tai, tác động đến cơ sở hạ tầng, đường giao thông, đê lấn biển.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sau 5 năm thực hiện, thì đây là thời điểm để Ban Cán sự Đảng Chính phủ sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương.
Thủ tướng nhấn mạnh đến tinh thần cần tạo sự đột phá trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và yêu cầu các bước đi cụ thể thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan chức năng, hoàn thiện báo cáo chất lượng hơn. Sau khi Ban Cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến, bước tiếp theo là Chính phủ sẽ trình Bộ Chính trị cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết 13 của Trung ương.
Trên cơ sở các kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13 và sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết này.
Chính phủ sẽ kiến nghị Bộ Chính trị về quan điểm mới trong phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là tìm nguồn lực để phát triển. Theo đó đề xuất các cơ chế, thể chế mới, mà cụ thể là bổ sung, sửa đổi, làm mới, trong đó nghiên cứu, đề xuất về việc Luật đầu tư công-tư. Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tìm nguồn lực mới để phát triển đất nước, không vì thể chế, cơ chế mà bế tắc phát triển hạ tầng nước ta.
“Vấn đề xã hội hóa, tôi đồng ý BOT có những khuyết điểm tồn tại, nhưng BOT không phải là tội đồ mà tất cả phải lên án. Mà không xã hội hóa thì nguồn lực đâu cho phát triển. Từ đất đai, từ thu phí, từ ODA, từ các dạng đầu tư, bây giờ phải xã hội hóa để Nhà nước, nhà đầu tư, người dân có lợi mới được. Những quan điểm như vậy rất rõ”- Thủ tướng cho biết.
Đánh giá về cơ sở hạ tầng 5 năm qua, Thủ tướng nhất trí cho rằng kết cấu hạ tầng có bước phát triển, đất nước có nhiều công trình hạ tầng lớn. Tuy vậy, vẫn còn các tồn tại như quy hoạch chưa đồng bộ, tiến độ một số công trình còn chậm trễ. Hạ tầng vẫn còn là điểm nghẽn đối với sự phát triển như ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện…
Thủ tướng cho rằng khi quy mô nền kinh tế đã tăng lên trên 5 triệu tỷ đồng thì tỷ lệ nợ công/GDP giảm xuống, còn 61% thì đây là cơ hội để tiếp tục tìm nguồn ODA phù hợp hoặc các hình thức khác như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình, trái phiếu quốc tế…, là nguồn lực phát triển hạ tầng, không để hạ tầng lạc hậu, ảnh hưởng đến sự phát triển đất nước.
Vũ Dũng (VOV)