Chính trị

Tin tức

Thủ tướng tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trưa nay (17-7), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn WB về sự giúp đỡ hiệu quả cho công cuộc phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là việc WB vừa quyết định tiếp tục cam kết tài trợ cho Việt Nam gần 4 tỷ USD trong kỳ IDA 17, đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết sử dụng có hiệu quả nhất nguồn vốn quý báu này để thực hiện bằng được chiến lược phát triển bền vững đất nước.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là một nước phải chịu nhiều hậu quả chiến tranh và là một nước còn có tỷ lệ hộ nghèo còn lớn, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, trong khi đó, theo nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế, Việt Nam còn là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì vậy để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững và không rơi vào bẫy thu nhập phát triển trung bình, Việt Nam mong muốn nhận được hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong đó có WB về cả tư vấn chính sách và hỗ trợ tài chính.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị WB xem xét hỗ trợ Việt Nam về nguồn lực xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trồng rừng chắn sóng ven biển và hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa tàu thuyền và giảm quá tải các bệnh viện tuyến cuối để Việt Nam có thể phát triển bền vững, cải thiện đời sống cho người dân và thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ.

Thủ tướng cũng đề nghị WB thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đối tác công-tư, nhất là dự án xây dựng đường giao thông mà hai bên đang thảo luận; đề nghị WB nghiên cứu để Việt Nam có thể tiếp cận được với các nguồn vốn khác từ WB.

 

 


Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho biết, Việt Nam là 1 trong 2 nước trên thế giới được WB cam kết cho vay lớn như vậy, con số này chỉ thấp hơn chút ít so với mức cam kết cho giai đoạn trước. Chủ tịch WB cũng khẳng định WB hết sức tin tưởng Việt Nam và ấn tượng với những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, do vậy WB cam kết cam kết huy động tối đa các nguồn lực có thể để hỗ trợ Việt Nam.

Chủ tịch WB khẳng định cá nhân ông rất quan tâm đến sự phát triển của Việt Nam và trong chuyến thăm Việt Nam lần này, nhiều lãnh đạo cấp cao của WB và Công ty tài chính quốc tế cũng có mặt trong đoàn, tất cả để chuyển một thông điệp là mong muốn hỗ trợ Việt Nam để Việt Nam có thể sử dụng có hiệu quả các nguồn lực công và tư.

Bên cạnh đó, WB cũng mong muốn phối hợp với các đối tác phát triển khác của Việt Nam như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhằm đảm bảo các nguồn hỗ trợ được điều phối và sử dụng hiệu quả. Ông Jim Yong Kim cho rằng, nếu thực hiện theo phương cách này, Việt Nam có thể sẽ đạt được những mục tiêu hết sức đáng kể.

Chủ tịch WB cũng mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực cải cách và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đối tác công-tư, ứng phó với biến đổi khí hậu, tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Jim Yong Kim cũng ghi nhận những đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cho biết sẽ hợp tác với Việt Nam để đưa những vấn đề này vào trong Báo cáo chiến lược đến năm 2030 mà WB và Việt Nam đang hợp tác xây dựng.

 

Chủ tịch WB Jim Yong Kim và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình ký Hiệp định vay vốn ưu đãi cho 5 chương trình, dự án, với tổng trị giá là 876 triệu USD.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình ký Hiệp định vay vốn ưu đãi cho 5 chương trình, dự án, với tổng trị giá là 876 triệu USD.


Với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch WB Jim Yong Kim và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã ký Hiệp định vay vốn ưu đãi cho 5 chương trình, dự án, với tổng trị giá 876 triệu USD. Nguồn vốn này sẽ tài trợ cho các chương trình, dự án có đối tượng hưởng lợi là người dân và các doanh nghiệp ở hầu hết các địa phương trên lãnh thổ Việt Nam.

Đây là các dự án về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế; đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng điện; phát triển đô thị; tăng cường năng lực nguồn nhân lực ngành Y tế và phòng-chống biến đổi khí hậu.

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm