Kinh tế

Thủ tướng yêu cầu báo cáo sai phạm tại Tập đoàn Cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về xử lý, thực hiện kết luận thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG).

Theo đó, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Công an báo cáo trước ngày 1-1-2018 kết quả điều tra, xử lý các sai phạm có dấu hiệu tội phạm xảy ra tại một số đơn vị thành viên VRG do Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.

 

Bộ Công an được yêu cầu báo cáo kết quả điều tra sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.
Bộ Công an được yêu cầu báo cáo kết quả điều tra sai phạm tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.

Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, tổng hợp kết quả xử lý sau thanh tra theo kết luận thanh tra ngày 2-10-2014, báo cáo trước 1-2-2018.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam báo cáo Thủ tướng trước ngày 1-7-2018 việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, đất đai tại doanh nghiệp và các đơn vị thành viên trong thời gian từ 2012 đến 2017.

Theo kết luận thanh tra tại VRG, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đã có nhiều sai phạm trong quản lý, điều hành, sử dụng vốn và tài sản. Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu xử lý về kinh tế số tiền gần 8.400 tỷ đồng.

Tính đến 31-1-2011, VRG đã đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính hơn 2.420 tỷ đồng, chiếm 13,03% vốn điều lệ và chiếm 13,25% tổng vốn đầu tư tài chính, chủ yếu lấy từ nguồn vốn điều lệ do Nhà nước đầu tư.

Cụ thể, VRG đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các công ty hoạt động trong các lĩnh vực thủy điện, xi măng, kinh doanh khách sạn, thép, chứng khoán… song hầu như trong nhiều năm liên tục không có lợi nhuận được chia. Đơn cử, VRG đầu tư hơn 390 tỷ đồng vào Công ty cổ phần đầu tư thủy điện VRG Phú Yên, Công ty cổ phần xi măng FICO Tây Ninh, Tổng công ty xây dựng miền Trung nhưng trong 5 năm liên tục (từ 2006 - 2011) không có lợi nhuận được chia...

Quá trình thanh tra còn phát hiện, một số lãnh đạo VRG tham gia góp vốn cá nhân, gia đình để sáng lập và lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp (DSEC). Một số công ty “con” của VRG cũng tham gia góp vốn vào DSEC khi chưa được tập đoàn đồng ý, cá biệt có đơn vị dùng cả quỹ phúc lợi để đầu tư, góp vốn vào công ty “sân sau” của các quan chức ngành cao su.

Sau kết luận thanh tra này, VRG đã chưa thực hiện nghiêm kiến nghị xử lý của Thanh tra Chính phủ.

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam tiền thân là Ban cao su Nam bộ và chuyển thành Tổng công ty Cao su Việt Nam (trực thuộc Bộ Nông nghiệp) từ tháng 7-1977. VRG nhận quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sau gần 30 năm hoạt động theo mô hình tổng công ty. Đến năm 2010, công ty mẹ của tập đoàn được chuyển thành Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Hồi tháng 9, tập đoàn này đã công bố phương án cổ phần hóa với giá trị thực tế của doanh nghiệp cho mục đích xác định quy mô vốn điều lệ là 40.736 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước chiếm hơn 95%. Góp phần lớn trong số này là quỹ đất rộng 244.000 ha phân bố rộng khắp tại 18 tỉnh thành trên cả nước, thuộc quyền sở hữu của công ty mẹ và các đơn vị thành viên. VRG dự kiến thu về gần 13.000 tỷ đồng từ bán một tỷ cổ phần trong lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Anh Minh/VNE

Có thể bạn quan tâm