Thủ tướng ủng hộ giải quyết các vướng mắc về quy định pháp luật, sẵn sàng đưa ra Chính phủ biểu quyết để ủng hộ chính sách thu hút nhân tài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc |
Sáng 22-2, tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành.
Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, Khu công nghệ cao này đang chuyển từ giai đoạn hoàn thiện cơ sở hạ tầng sang giai đoạn vận hành đô thị khu công nghệ cao, sau khi phía Nhật Bản bàn giao hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại. Song song với đó là tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được nhiều dự án lớn về công nghệ cao, tiêu biểu như Hanwha Aero Engines Việt Nam của Công ty Hanwha Techwin với mức đầu tư 200 triệu USD. Sắp tới là dự án đầu tư của Tập đoàn NIDEC với mức vốn khoảng 1 tỷ USD. Ban Quản lý phối hợp với Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức sát hạch cho hơn 13.000 kỹ sư công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Các nhóm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các nghiên cứu công nghệ của các Tập đoàn và doanh nghiệp đã trở thành công nghệ thực sự. Cùng với các doanh nghiệp nước ngoài, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã bắt đầu đầu tư vào Khu công nghệ cao.
Năm qua, Ban Quản lý đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 74 quy định về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao với nhiều ưu đãi, tạo thuận lợi tháo gỡ các khó khăn cho nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư phát biểu tại buổi làm việc như NIDEC, Bkav… đều thể hiện quyết tâm đầu tư vào Khu công nghệ cao với các loại sản phẩm công nghệ hiện đại, giàu hàm lượng công nghệ cao.
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Thành phố đã hình thành các tuyến xe bus từ trung tâm lên Khu công nghệ cao. Thành phố sẵn sàng ứng vốn để giải phóng 100 ha mặt bằng còn lại của Khu công nghệ cao và tiếp đó là triển khai nhà ở cho công nhân.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với phát triển công nghệ cao và cho biết, việc tới thăm và làm việc với Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào đầu năm thể hiện sự kỳ vọng của Thủ tướng về sự phát triển của khu công nghệ cao này.
“Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ là nơi đóng góp vào nền khoa học công nghệ trong thời đại công nghiệp 4.0; nơi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, đóng góp vào xây dựng Thủ đô cũng như đất nước chúng ta. Một kỳ vọng như vậy thì các cấp các ngành phải có sự tập trung tốt hơn nữa để xây dựng khu này thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhìn lại năm 2017, Thủ tướng đánh giá các bộ, ngành, Thành phố Hà Nội và Ban Quản lý đã có nhiều cố gắng để thúc đẩy tiến độ của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nhất là trong giải phóng mặt bằng. Hạ tầng giao thông vận tải, điện, nước đã được thiết lập căn bản. Vấn đề đường và phương tiện đi lại cho công nhân và học sinh mà Thủ tướng đã kết luận tại buổi làm việc lần trước đã được Hà Nội triển khai.
Cùng với đó tiềm lực khoa học công nghệ đã được quan tâm và xuất hiện nhiều yếu tố như các nhóm ươm tạo hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng ngân hàng thông tin khoa học công nghệ, các trung tâm nghiên cứu của các tập đoàn; các cơ sở nghiên cứu của các Đại học lớn… Một số sản phẩm khoa học công nghệ ở một số đơn vị đã ra đời từ Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Từ những kết quả đạt được, Thủ tướng coi đây là tin vui đầu năm mới và cùng với đà này để tiếp tục phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc thời gian tới. Thủ tướng tin tưởng cùng với các cơ chế chính sách thu hút đầu tư được ban hành, thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực được cấp phép đầu tư vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Nhắc lại những vướng mắc trước đây kéo dài nhiều năm, nhất là mặt bằng và hạ tầng của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đã khiến mất đi thời cơ rất lớn của Hà Nội và ngành khoa học công nghệ nước nhà, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng thời gian tới phải “dồn nén”, tập trung làm tốt hơn nhiệm vụ được giao.
“Để thúc đẩy một số công việc, về chủ trương không cần bàn lại nữa. Đây là xu hướng hợp với cuộc cách mạng 4.0 mà chúng ta đang triển khai ở phạm vi quốc gia. Và các nhà đầu tư nên đón thời cơ này, Hà Nội cũng nên đón thời cơ này để phát triển. Tôi rất mừng về nhận thức của Hà Nội đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đây chính là những sản phẩm quốc gia mà Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ là một. Đặc biệt là tính giá trị sản xuất, giá trị sản lượng GDP đều được tính cho Hà Nội”, Thủ tướng nêu rõ.
Về vấn đề thể chế, Thủ tướng cho rằng Nghị định 74 quy định cơ chế, chính sách đặc thù với Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được ban hành, và yêu cầu các bộ ngành sớm ban hành các thông tư hướng dẫn tạo điều kiện cho Khu công nghệ cao này phát triển. Thủ tướng cũng đồng ý với Bộ Khoa học và Công nghệ về việc tiếp tục hoàn thiện thể chế để trong phạm vi quốc gia các Khu công nghệ cao đều phát triển đồng bộ và nhanh chóng hơn, đồng thời yêu cầu sớm đề xuất sửa đổi các quy định còn vướng mắc, trong đó có Nghị định 99 của Chính phủ và một số điểm của Luật Công nghệ cao năm 2008.
Thủ tướng nêu rõ: “Cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng phải được cụ thể hóa để tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu vào khu công nghệ cao. Các đồng chí tập hợp lại những vướng mắc, có thể anh Vũ Đức Đam sẽ chủ trì nghe lại để có những quyết sách cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ giải quyết cho nhanh. Thủ tướng sẵn sàng ủng hộ tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật, sẵn sàng đưa ra Chính phủ biểu quyết để ủng hộ cho chính sách thu hút nhân tài này. Đây chính là điều hết sức quan trọng để chúng ta khởi nghiệp cũng như xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam nói chung và đặc biệt đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng”.
Về nguồn vốn giải phóng mặt bằng, Thủ tướng tướng yêu cầu giải quyết dứt điểm và đồng ý về chủ trương huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để Chính phủ báo cáo Quốc hội xử lý. Trước mắt Thủ tướng đồng ý giao Hà Nội ứng trước để giải phóng dứt điểm mặt bằng cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Thủ tướng cũng chỉ đạo UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Khoa học và Công nghệ lắng nghe các đề nghị để sớm cấp phép cho dự án lớn của Tập đoàn NIDEC, một dự án thực sự là công nghệ cao của nhà đầu tư Nhật Bản, chuyên sản xuất các mô tơ mini và linh kiện robot. Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, ngay sau buổi làm việc này, tập hợp các vướng mắc để trình Chính phủ giải quyết. Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ như vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, nhà đầu tư tin tưởng và yên tâm để tiếp tục triển khai dự án này.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tập trung thu hút các nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện để thực sự đưa Khu công nghệ cao là nơi khởi nghiệp tốt nhất cho công nghệ cao Việt Nam, thu hút các chuyên đề phát triển, từ đó sớm lấp đầy khu công nghệ cao.
Trước đó, trước khi diễn ra buổi làm việc, Thủ tướng đã trực tiếp nghe giới thiệu và trải nghiệm một số sản phẩm công nghệ cao như máy bay không người lái, thiết bị an ninh an toàn…
Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết, tính đến hết năm 2017, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có 81 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 66.170 tỷ đồng. Ngoài ra Ban Quản lý đang nhận hồ sơ dự án đầu tư của nhiều nhà đầu tư tiềm năng khác trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao.
Vũ Dũng (VOV)