TN - Đất & Người

"Thức" cùng... cao tốc - Kỳ 2: Theo sát bài toán về vốn và rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngày 18/6/2023 là một dấu mốc quan trọng – khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1). Cử tri Đắk Lắk hân hoan. Đáp ứng mong mỏi của cử tri, các cơ quan dân cử luôn sát sao ngay từ những bước khởi động thi công dự án.

Cùng sự vào cuộc của hệ thống chính trị, Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk đã chủ động theo dõi, giám sát thường xuyên về tiến độ, chất lượng, hiệu quả công trình; việc phân bổ, quản lý nguồn vốn; công tác rà soát quy hoạch; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án…

Phân cấp, phân quyền và cơ chế đặc thù về vốn

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Giao thông đường bộ, dự án đường bộ cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương. Để nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong việc thực hiện chủ trương lớn của Đảng về đầu tư phát triển các dự án kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, chia sẻ một phần áp lực đối với ngân sách Trung ương, gắn lợi ích với trách nhiệm, Quốc hội cho phép các địa phương được bố trí một phần ngân sách để tham gia đầu tư dự án.

thuc-cung-cao-toc-ky-2-dd.jpg
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Trần Phú Hùng (thứ hai từ trái sang) cùng đoàn công tác thực hiện giám sát thực địa dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) nhấn mạnh việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt như: Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án hoàn trả vào ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư dự án; được thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công…

“Qua khảo sát thực tế và nghiên cứu tài liệu cho thấy có sự chênh lệch về diện tích rừng cần chuyển đổi để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột. Do đó, đoàn giám sát đề nghị các đơn vị, địa phương liên quan cần phải rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng để cập nhật đầy đủ, chính xác vào hồ sơ dự án. Có phương án, giải pháp quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, tránh tình trạng xâm chiếm, vi phạm về rừng trong quá trình sử dụng đường công vụ phục vụ thi công dự án” - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Trần Phú Hùng.

Trên cơ sở đó, để bảo đảm đủ nguồn vốn triển khai dự án, trong điều kiện ngân sách Trung ương còn hạn hẹp, Kỳ họp Chuyên đề lần thứ Hai, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã xem xét, cho ý kiến đối với tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc cân đối bố trí vốn ngân sách tỉnh để chi trả cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1). Theo đó, thống nhất bố trí 50% chi phí giải phóng mặt bằng các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh thuộc Dự án với số vốn là 916,5 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Cùng với cơ chế đặc thù về vốn, việc phân cấp, phân quyền giao địa phương làm cơ quan chủ quản dự án thành phần cũng được áp dụng. Cụ thể, tại Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022 về việc phân cấp thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tỉnh Đắk Lắk được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện vai trò là cơ quan chủ quản đối với dự án thành phần 3. Đây là lần đầu tiên tỉnh được phân cấp, phân quyền đảm nhận vai trò chủ quản một dự án trọng điểm quốc gia, có quy mô về vốn lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh, qua đó phát huy tính linh hoạt, chủ động của tỉnh và các sở, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện dự án.

Giám sát thực địa việc chuyển mục đích sử dụng rừng

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) của Chính phủ, tổng diện tích rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện dự án đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk gần 176,8 ha, trong đó 60,2 ha rừng tự nhiên và 116,56 ha rừng trồng. Tuy nhiên, tại Tờ trình số 69/TTr-UBND ngày 21/6/2023 của UBND tỉnh về đề xuất chủ trương mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án thì diện tích rừng giảm khoảng 7,33 ha so với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Cụ thể, tổng diện tích rừng cần chuyển đổi là 169,43 ha, trong đó 45,51 ha rừng tự nhiên và 123,92 ha rừng trồng.

Để bảo đảm chất lượng, tiến độ khiển khai thực hiện dự án, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức đoàn giám sát trực tiếp toàn bộ tuyến cao tốc với 84 km đi qua địa bàn các huyện: Krông Bông, Krông Pắc, Ea Kar, M’Drắk; trên cơ sở đó nắm bắt cơ bản về thực tế thực hiện việc đề xuất chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thực hiện dự án cao tốc.

Đặc biệt, từ hoạt động giám sát, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và chỉ ra một số vấn đề còn bất cập giữa báo cáo văn bản và thực địa của dự án. Đơn cử, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương thì đường công vụ phục vụ dự án cao tốc chủ yếu sử dụng đường nội bộ của các công ty lâm nghiệp nên không ảnh hưởng đến diện tích rừng. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, đoàn giám sát thấy rằng các đường công vụ có ảnh hưởng đến diện tích rừng, nhất là trên địa bàn các huyện M’Drắk và Krông Bông. Đoàn đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị liên quan có phương án, giải pháp xử lý vấn đề này.

thuc-cung-cao-toc-ky-2-2.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra, động viên các đơn vị thi công dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình.

Ngoài ra, theo Báo cáo số 140 ngày 25/3/2024 của UBND huyện Krông Pắc, địa phương đã thực hiện bàn giao mặt bằng 100% để thi công dự án, tuy nhiên huyện có hơn 10 ha rừng trồng cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng, như vậy việc chưa chuyển mục đích sử dụng rừng nhưng đã bàn giao mặt bằng để thi công đã bảo đảm quy định của pháp luật hay chưa? Qua đó đoàn giám sát đề nghị các đơn vị, địa phương giải trình, làm rõ các quy định liên quan.

HĐND tỉnh Đắk Lắk cũng thẳng thắn chỉ ra thời gian UBND tỉnh thẩm định hồ sơ đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của dự án còn chậm, kéo dài. UBND tỉnh cũng chậm chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế; chậm chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Việc chậm trễ này đã tác động không nhỏ đến việc thi công công trình của các nhà thầu, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Ông Ngô Hữu Khoa, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL01 (thuộc dự án thành phần 2) cho biết, nhà thầu luôn nỗ lực để thi công đáp ứng chất lượng, tiến độ, an toàn. Tuy vậy, vẫn còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, khi nhà thầu đã tiếp nhận toàn bộ mặt bằng thi công dài 11 km, nhưng cần bổ sung gần 6 ha diện tích chưa hoàn tất thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch, biện pháp thi công chủ đạo cửa hầm phía Đông hầm Phượng Hoàng.

Theo Thường trực HĐND tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trên là trong quá trình triển khai dự án phải điều chỉnh một số đoạn tuyến so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Do đó số liệu vị trí, diện tích, hiện trạng rừng tại một số đoạn tuyến điều chỉnh có sự thay đổi, phải thực hiện thẩm định hồ sơ lại từ đầu. Điều này dẫn đến mất thời gian lập hồ sơ điều chỉnh theo quy định. Khối lượng thực hiện các thủ tục liên quan để bảo đảm hồ sơ phù hợp theo quy định, liên quan các khu vực nơi dự án đi qua xa trung tâm, đi lại khó khăn.

Mặt khác, công tác quản lý hồ sơ, tài liệu, bản đồ kiểm kê rừng, kiểm kê đất của các ngành, địa phương qua các thời kỳ thiếu chặt chẽ, không đồng nhất. Diện tích đất rừng không đồng bộ với diện tích rừng làm ảnh hưởng đến việc xác định nguồn gốc đất, đánh giá hiện trạng rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án. Công tác rà soát, lập hồ sơ đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại các huyện Ea Kar, Krông Pắc chưa bảo đảm, chưa đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024.

(Còn nữa)

Theo Đàm Thuần - Hoàng Tuyết - Minh Thuận (Báo Đắk Nông)

--------------------

Kỳ cuối: Tăng tốc làm cao tốc

Có thể bạn quan tâm