Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 21-5, tại TP. Pleiku, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Diễn đàn "Kết nối Tây Nguyên" với chủ đề "Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên".
Tiềm năng phát triển nông nghiệp-chế biến nông sản
Tây Nguyên được xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, chính trị, quân sự của cả nước, với diện tích 54.474 km2 (chiếm 16,46% diện tích của cả nước), dân số hơn 5,9 triệu người và có 47 dân tộc anh em sinh sống. Ngoài lợi thế phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày, cây lâm nghiệp, cây dược liệu, Tây Nguyên còn có lợi thế trong phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái. Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng nông nghiệp vùng Tây Nguyên vẫn phát triển ấn tượng, thị trường cà phê, hồ tiêu, cao su phục hồi mạnh mẽ, giá trị xuất khẩu tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, giai đoạn 2016-2020, giá trị sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên tăng bình quân 6,05%/năm; năm 2021 tăng 5,8% và chiếm gần 12,8% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp cả nước. Cụ thể, toàn vùng có 651,8 ngàn ha cà phê, 82,8 ngàn ha hồ tiêu, 89,9 ngàn ha điều, 233,6 ngàn ha cao su, 117,1 ngàn ha cây ăn quả. Trong chăn nuôi, có hơn 900 ngàn con bò; 88,4 ngàn con trâu; gần 2,2 triệu con heo; 28 triệu con gia cầm. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 36,6 ngàn ha. Tổng diện tích rừng là hơn 2,56 triệu ha, với tỷ lệ che phủ rừng đạt 45,94%.
Bên cạnh đó, Tây Nguyên hiện có 87 cơ sở chế biến cà phê quy mô lớn (chiếm 36,4% cả nước); 10 doanh nghiệp chế biến cao su, công suất trên 70 ngàn tấn/năm; 40 nhà máy chế biến chè, công suất 200 ngàn tấn/năm, chiếm trên 20% sản lượng chè cả nước; 8 nhà máy chế biến hạt điều, chiếm 20% sản lượng cả nước; trên 20 nhà máy chế biến rau quả, với công suất trên 300 ngàn tấn/năm; 4 nhà máy chế biến đường, công suất trên 2 triệu tấn mía/năm. Ngoài ra, có 334 cơ sở trồng trọt/32.282 ha được chứng nhận VietGAP; 797 trang trại và cơ sở được chứng nhận VietGAP với sản lượng 27.702 tấn thịt, 16 cơ sở nuôi thủy sản được chứng nhận VietGAP; 241 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm. “Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng, nông nghiệp Tây Nguyên đã hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để kết nối chuỗi giá trị sản xuất của vùng với nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành phố, vùng, miền trên cả nước, cũng như xuất khẩu, tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ tại diễn đàn.
Bộ Nông nghiệp và PTNT với 5 tỉnh Tây Nguyên và 6 Hiệp hội ngành hàng ký kết biên bản hợp tác kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ảnh: Lê Nam
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên thông tin: Gia Lai có vị trí địa lý thuận lợi, là đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa và dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam-Campuchia-Lào, là tỉnh có hệ thống quốc lộ 14, 14C, 19, 25, đường Hồ Chí Minh, đường Đông Trường Sơn và Cảng hàng không Pleiku… thuận lợi trong việc kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhượng rất phù hợp cho phát triển cây công nghiệp dài ngày với hơn 98,3 ngàn ha cà phê, 13.637 ha hồ tiêu, 21.375 ha cây ăn quả. Đồng thời, phù hợp cho phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với hơn 434,1 ngàn con bò (đứng thứ 2 cả nước); 462 ngàn con heo; 4 triệu con gia cầm; có 142 trang trại chăn nuôi, 4 cơ sở được chứng nhận VietGAP, 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn Global GAP. Hiện toàn tỉnh có 32.720 ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; 227.176 ha cây trồng sản xuất theo các tiêu chuẩn; 18 vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 3.490 ha; 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hơn 300 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa; có 1 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Gạo Ba Chăm (Mang Yang) và đang xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cà phê Gia Lai, Hồ tiêu Gia Lai; 231 ngàn ha cây trồng thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với 81 hợp tác xã (HTX), 72 tổ hợp tác, trên 11.862 hộ nông dân và 42 doanh nghiệp tham gia. “Với tiềm năng và thế mạnh về phát triển nông nghiệp và cơ sở chế biến, Gia Lai định hướng tiếp tục phát triển nhanh các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông-lâm sản và tập trung thu hút những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chế biến thực phẩm từ gia súc, gia cầm. Tỉnh cũng cam kết sẽ tạo các điều kiện cho nhà đầu tư thuận lợi trong thụ hưởng các chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thực hiện việc liên kết, phát triển bền vững nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.
Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Đak Nông Hồ Văn Mười cho hay: Đak Nông nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam vùng Tây Nguyên rất thuận lợi trong kết nối thị trường nông sản với các khu vực kinh tế trọng điểm. Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản. Phát triển mạnh kinh tế tập thể, phát huy vai trò liên kết trong sản xuất nông nghiệp; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, bình đẳng và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. “Chúng tôi luôn cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu, hợp tác lâu dài tại Đak Nông”-Chủ tịch UBND tỉnh Đak Nông chia sẻ.
Đẩy mạnh liên kết chuỗi
Thời gian qua, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam và dẫn đầu trong ngành cà phê của tỉnh Gia Lai. Công ty đã phát triển vùng nguyên liệu khoảng 40 ngàn ha cà phê hữu cơ, liên kết với 10.000 hộ dân sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, Ogranic. Ông Thái Như Hiệp-Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty-cho hay: Hàng năm, Công ty xuất khẩu trung bình 100 ngàn tấn sản phẩm, chiếm khoảng 40% sản lượng cà phê của toàn tỉnh Gia Lai. Thị trường xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên thế giới, chủ yếu là các nước phát triển có yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ông Hiệp: “Chúng tôi luôn tôn trọng và cùng nhau xây dựng tốt vùng nguyên liệu xanh để góp phần đưa sản phẩm cà phê Việt khẳng định trên thị trường thế giới. Đây là một chiến dịch kinh doanh cho tương lai giữa các tác nhân, nông dân, HTX, tổ hợp tác cùng liên kết với doanh nghiệp".
Còn ông Nguyễn Tấn Công-Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa)-cho hay: HTX có 120 thành viên, với diện tích 80 ha tiêu và 120 ha cà phê. HTX luôn mong muốn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết xã viên để sản xuất nông nghiệp sạch, tạo vùng nguyên liệu lớn theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị nông sản tại Gia Lai. Đến nay, HTX đã cho ra thị trường những sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu, như: tiêu hữu cơ Lệ Chí (tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu đen, tiêu xay, tiêu muối một nắng và tiêu xanh); tiêu sạch Lệ Chí; cà phê Đak Yang; măng le Lệ Chí. Đến nay, HTX có 6 sản phẩm đạt 3-4 sao OCOP cấp tỉnh. “Thời gian tới, HTX tiếp tục đẩy mạnh tìm đối tác để xuất khẩu sản phẩm; chứng nhận thêm cà phê hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu. Đặc biệt, mở rộng thêm thành viên HTX, hướng dẫn người dân canh tác sạch, chế biến tiêu đỏ, tiêu sọ, cà phê chất lượng cao để cung cấp cho đối tác nhằm tăng thêm thu nhập”-ông Công cho hay.
Ông Johan Van Den Ban-Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam-thông tin tại diễn đàn: Cuối năm 2021, tập đoàn Hoàng Gia De Heus và Hùng Nhơn đã hoàn thiện Tổ hợp khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại tỉnh Đak Lak với quy mô 200 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Mới đây, 2 tập đoàn tiếp tục khởi công Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại tỉnh Gia Lai, với quy mô 100 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 1.030 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng Tây Nguyên là vùng an toàn dịch bệnh, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín. Định hình Tây Nguyên trở thành trung tâm cung cấp heo giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao của Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết mới nhằm nâng cao chất lượng chuỗi giá trị và cải thiện đời sống không chỉ người nông dân, người kinh doanh mà còn toàn thể người tiêu dùng Việt.
5 tỉnh Tây Nguyên ký kết với Công ty TNHH Công nghệ NHONHO. Ảnh: Lê Nam
Trong khi đó, ông Đinh Minh Hiệp-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hồ Chí Minh-chỉ ra rằng: Hiện nay, khả năng sản xuất nông sản trên địa bàn thành phố chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu thụ của người dân như: gạo 7,7%; rau củ quả 39,7%; thịt heo 19,6%; thịt gia cầm 1,7%... Đây là cơ hội để nông sản từ các tỉnh nói chung và tỉnh Gia lai nói riêng có cơ hội mở rộng thị trường cung cấp lương thực, thực phẩm cho các hệ thống phân phối tại thành phố trong thời gian đến.
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Diễn đàn không chỉ làm nổi bật được tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp Tây Nguyên, mà còn là nơi trao đổi, kết nối, sẻ chia những kinh nghiệm về phát triển chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh, thành phố, nhất là trong bối cảnh thế giới và Việt Nam chịu tác động trực tiếp do dịch Covid-19. Đặc biệt tại diễn đàn này, chúng ta đã chứng kiến lễ ký kết biên bản hợp tác kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với 5 tỉnh Tây Nguyên và 6 Hiệp hội ngành hàng; giữa UBND tỉnh Gia Lai và 3 thành phố-trung tâm tiêu thụ nông sản lớn của vùng Tây Nguyên; giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia và doanh nghiệp; giữa tỉnh Gia Lai và các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn ngoài tỉnh. Đây là tiền đề quan trọng mở ra cơ hội hợp tác, liên kết phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững giữa các bên.
“Các địa phương cần tập trung chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Xác định các cây trồng, vật nuôi ưu tiên, xây dựng một số trung tâm sản xuất cây công nghiệp, nông nghiệp giá trị cao, như: dược liệu, cao su, cà phê, hồ tiêu, chè, gỗ rừng trồng. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết nông nghiệp nội vùng và với các vùng Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ cũng như cả nước để thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản. Đầu tư phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ chế biến sâu và nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của từng vùng”-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm