Du lịch

Hành trang lữ hành

Thúc đẩy khách du lịch hai chiều giữa Hà Nội, Ninh Bình và Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bàn giải pháp 'gỡ khó' hợp tác phát triển du lịch, thúc đẩy khách du lịch hai chiều giữa Hà Nội, Ninh Bình và Đắk Lắk là một trong những nội dung được bàn thảo tại hội nghị gặp gỡ giữa các doanh nghiệp lữ hành của 3 địa phương vừa tổ chức tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ ý kiến để thúc đẩy du lịch của 3 địa phương - Ảnh: VGP/Minh Anh

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang chia sẻ ý kiến để thúc đẩy du lịch của 3 địa phương - Ảnh: VGP/Minh Anh

Hội nghị gặp gỡ giữa các doanh nghiệp lữ hành của Hà Nội, Ninh Bình và Đắk Lắk nhằm kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch của các địa phương đến với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và khách sạn du lịch trong và ngoài nước; bàn thảo các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thúc đẩy lượng khách hai chiều giữa các địa phương trong tình hình hiện nay.

Giá vé máy bay tăng là khó khăn đối với thúc đẩy du lịch hai chiều

Theo ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, thời gian gần đây, dù có nhiều khó khăn nhưng nhìn chung mức tăng trưởng ngành du lịch Đắk Lắk vẫn lạc quan. Tuy nhiên, lượng khách du lịch phần lớn là người dân địa phương đến vui chơi, giải trí tại những khu/điểm du lịch hiện có; còn khách ngoài tỉnh đặt tour đến Đắk Lắk rất thấp. Một trong những lý do được đưa ra là do giá vé máy bay tăng cao đã ảnh hưởng đến giá các tour du lịch không còn hấp dẫn đối với du khách.

Các đại biểu tại hội nghị cũng đều nhận định khó khăn lớn nhất để kết nối và xây dựng các tour du lịch hai chiều là vấn đề giá vé chi phí đi lại cao, điều này có ảnh hưởng đến phát triển du lịch, nhất là đối với Đắk Lắk hiện nay.

Ông Lê Văn Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp du lịch của tỉnh Đắk Lắk, thành viên của thành viên CLB Lữ hành UNESCO, đồng thời là giám đốc của khách sạn Elephant cho biết, khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng là địa điểm đến hấp dẫn của các thị trường khách Pháp, Mỹ và Canada những năm trước đại dịch COVID-19. Các đoàn khách Pháp thường đến Việt Nam trong tour một tháng và thăm Hà Nội, Hạ Long, Ninh Bình và Tây Nguyên. Đối với Đắk Lắk, họ sẽ ở đây khoảng một tuần. Mỗi đoàn khách thường có khoảng 45 người và chi tiêu du lịch cũng rất cao. Hiện nay vẫn có các đoàn khách quốc tế nhưng số lượng đã giảm xuống và chi phí cho du lịch cũng không nhiều.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và dự báo sẽ còn kéo dài, Hội Doanh nghiệp du lịch của tỉnh Đắk Lắk xác định tập trung vào thị trường khách nội địa. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn đặt ra là giá vé máy bay còn cao, giá tour đắt nên không thu hút khách du lịch từ miền Bắc.

Theo Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ lữ hành Bazan Xanh Nguyễn Đức Phúc, Bazan Xanh là một công ty lữ hành quốc tế nhưng khách chính hiện nay là khách nội địa. Theo ông Phúc, Ninh Bình là điểm đến yêu thích của người dân khu vực Tây Nguyên, vì vậy, mong muốn của doanh nghiệp này là sẽ được tiếp cận và quảng bá các tour du lịch đến Ninh Bình trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, Công ty Lữ hành Quang Trung Ban Mê, Tây Nguyên đã từng thu hút khách du lịch khi đường xá giao thông đi lại thuận tiện hơn và giá máy bay không quá cao. Tuy nhiên, khó khăn của đại dịch COVID-19 đã tác động đến thị trường khách của Tây Nguyên. Giá các chuyến bay đến Tây Nguyên cao và giờ bay hiện tại không thu hút được khách du lịch đến với Tây Nguyên. Trong khi đó lượng khách của Tây Nguyên ra Hà Nội chủ yếu là nhóm giáo viên đi theo các tour du lịch mùa hè.

Đồng hành để thúc đẩy lượng khách hai chiều giữa 3 địa phương

Ông Lê Bá Chiến, Giám đốc Công ty du lịch Sun Vina, đồng thời là thành viên Ban chấp hành Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đồng tính với ý kiến của các doanh nghiệp lữ hành tỉnh Đắk Lắk rằng vấn đề thị trường rất khó khăn do đường bay đắt đỏ. Do đó, các công ty quản lý lữ hành cần liên kết với nhau để tạo ra khối bán lẻ land tour (các tour kết hợp giữa công ty du lịch lữ hành với các địa điểm du lịch để cung cấp dịch vụ trọn gói tốt nhất cho khách hàng). "Nếu các địa phương cùng hợp tác nâng cao chất lượng điểm đến thì sẽ thu hút được khách du lịch", ông Chiến nói.

Theo ông Lê Bá Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, hội nghị này đã thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo ngành du lịch ba địa phương Hà Nội, Ninh Bình và Đắk Lắk trong việc cùng đồng hành bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hiệp hội Du lịch cam kết sẽ cùng với Sở Du lịch Hà Nội và các địa phương tập hợp doanh nghiệp du lịch để kết nối nhiều hơn giữa các địa phương.

Bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình cho rằng cần có sự thay đổi trong việc truyền thông tới khách du lịch về các chương trình giảm giá khuyến mại để khách có thể tiếp cận thông tin dễ dàng khi Hà Nội, Ninh Bình có những tour tuyến giảm giá cho khách. Bà Thanh cũng cho biết, các công ty lữ hành của Ninh Bình sẽ đề xuất có những ưu đãi đối với các công ty lữ hành của Đắk Lắk khi đến với Ninh Bình.

Theo ông Hoàng Bình Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình, việc trao đổi giao lưu giữa các Hiệp hội du lịch của hai tỉnh Ninh Bình và Đắk Lắk trước đây đã có những kết quả nhất định, vì vậy, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự kết nối này.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, trước vấn đề giá vé máy bay cao, các công ty lữ hành có thể tìm hướng đi khi khai thác các chặng bay khác có chi phí rẻ hơn giá vé đến Buôn Ma Thuột hiện nay. Từ đó, khách có thể tiếp tục tới Tây Nguyên bằng các phương tiện đường bộ và có trải nghiệm ở các tour mới. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý là giá vé má bay có thể giảm theo mùa, các công ty lữ hành có thể căn cứ theo mùa thấp điểm và cao điểm để điều chỉnh.

Đồng tình với ý kiến của bà Giang, ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk cũng cho rằng, để không lệ thuộc vào giá vé máy bay, cũng cần xây dựng các tour du lịch hợp lý kết nối bằng đường bộ trong thời gian tới.

Ông Thái Hồng Hà nhấn mạnh, điều quan trọng là sau hội nghị lần này, các Doanh nghiệp lữ hành và Hiệp hội du lịch các địa phương sẽ hiện thực hóa những đề xuất đã được đưa ra bàn thảo và tích cực quảng bá sản phẩm du lịch đến các địa phương liên kết.

Có thể bạn quan tâm