Du lịch

Thúc đẩy phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước tác động của đại dịch Covid-19 và ô nhiễm môi trường gia tăng, du lịch chăm sóc sức khỏe (CSSK) đang trở thành xu hướng du lịch toàn cầu.

Du khách trải nghiệm tại Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh).
Ngày càng nhiều du khách quan tâm đến vấn đề cải thiện sức khỏe khi tham gia du lịch. Thực tế đó đòi hỏi Việt Nam cần có chiến lược tổng thể để nhanh chóng đẩy mạnh loại hình du lịch này.
Theo Viện Chăm sóc sức khỏe toàn cầu (GWI), du lịch CSSK là du lịch gắn liền mục đích duy trì hoặc nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của cá nhân. Du lịch CSSK chính là sự kết hợp của hai hoạt động du lịch và CSSK.
Du khách lựa chọn loại hình du lịch này nhằm tìm kiếm những dịch vụ giúp thư giãn, nghỉ ngơi, xóa bỏ tâm lý tiêu cực, chán nản. Khi cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, nhu cầu được giải tỏa của con người ngày càng cao thì thị phần du lịch CSSK cũng vì thế càng rộng mở. Đây là loại hình đã phát triển phổ biến ở một số quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia…
Phát triển chưa xứng tiềm năng
Việt Nam sở hữu bờ biển dài hơn 3.200km cùng nhiều bãi tắm đẹp, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ; hơn 400 nguồn nước khoáng nóng tự nhiên; hệ thống cây dược liệu phong phú; số lượng chùa, tịnh xá, thiền viện đồ sộ; cùng nền y học dân tộc cổ truyền nổi tiếng… được nhận định là quốc gia có nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển du lịch CSSK. Những năm qua, nhiều nguồn suối khoáng nóng tại nước ta đã được đưa vào khai thác, phục vụ du khách như Quang Hanh (Quảng Ninh), Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Kênh Gà (Ninh Bình), Kim Bôi (Hòa Bình), Thanh Thủy (Phú Thọ), Núi Thần Tài (Đà Nẵng), Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch gắn với kết hợp duy trì và tăng cường sức khỏe như: yoga trên bãi biển, ngồi thiền, đạp xe trong rừng, massage trị liệu, thể dục dưỡng sinh, giảm cân… cũng đã bước đầu được các công ty khai thác, sử dụng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng tính trải nghiệm, khả năng chi tiêu của du khách.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, du lịch CSSK ở nước ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. TS Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhận định: Các sản phẩm du lịch CSSK còn ít, chưa đa dạng; chưa có nhiều các cơ sở dịch vụ CSSK đủ tầm cỡ về quy mô, chất lượng để đón khách, nhất là khách du lịch có khả năng chi trả cao. Phần lớn các cơ sở kinh doanh dịch vụ spa, tắm nước khoáng, tắm bùn, thiền, yoga, làm đẹp... vẫn chỉ ở quy mô nhỏ, nhân lực hạn chế, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch.
Bên cạnh đó, chưa có nhiều sản phẩm khai thác hệ thống cây dược liệu phong phú và nền y học cổ truyền nổi tiếng… TS Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng: Hầu hết du khách trong nước và nước ngoài còn ít biết đến dịch vụ du lịch CSSK, việc tìm kiếm các dịch vụ này từ công ty lữ hành gần như rất khó khăn; thông tin trên các website còn hạn chế... Đáng lưu ý là chưa có đơn vị lữ hành nào liên kết với các nhà đầu tư quan tâm trực tiếp đến lĩnh vực này, do đó tính quảng bá chưa cao, chưa thu hút được du khách.
Theo Phó Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương, nguyên nhân của thực trạng này là do Việt Nam chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tiềm năng, những yếu tố cần thiết, cũng như chưa có định hướng, chính sách cụ thể để phát triển loại hình du lịch CSSK. Đây cũng là lý do hội thảo trực tuyến “Phát triển du lịch CSSK ở Việt Nam” vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức, nhằm tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy loại hình du lịch này có bước tiến bứt phá thời gian tới.
Cần chiến lược phát triển đồng bộ
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo, du lịch gắn với CSSK sẽ là xu hướng của du lịch thời kỳ hậu Covid-19. Theo GWI, loại hình này có thể đạt mức tăng trưởng trung bình hằng năm 7,5%, chạm mức doanh thu 919 tỷ USD năm 2020, chiếm 18% tỷ trọng du lịch toàn thế giới. Châu Á sẽ tiếp tục là thị trường hàng đầu của du lịch CSSK.
Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 có thể làm những số liệu thực tế thấp hơn so với dự báo nhưng nhu cầu và tỷ trọng đóng góp của loại hình này chắc chắn sẽ tăng lên, nhất là khi sự đe dọa của dịch bệnh khiến yêu cầu về CSSK toàn diện trở thành đòi hỏi cần thiết. Do đó, nếu không muốn bỏ lỡ thị phần du lịch nhiều tiềm năng này, Việt Nam cần có những giải pháp tổng thể để đưa du lịch CSSK phát triển dựa trên thế mạnh có sẵn.
Theo GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Văn Đính, Chính phủ nên có chính sách, quy hoạch phát triển loại hình du lịch này nhằm phục vụ việc nâng cao sức khỏe cho cộng đồng dân cư Việt Nam và thu hút người nước ngoài, tăng nguồn thu cho ngân sách; cần đưa loại hình du lịch này thành một loại hình trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam.
ThS Nguyễn Hoàng Mai, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, cùng với nghiên cứu, điều tra toàn diện về tiềm năng, thực trạng và nhu cầu của thị trường du lịch CSSK tại Việt Nam để có chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, cần tạo cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các cơ sở khám, chữa bệnh với cơ sở dịch vụ du lịch để hình thành các gói sản phẩm CSSK giá cả hợp lý, bảo đảm chất lượng phục vụ khách du lịch. Hệ thống sản phẩm, dịch vụ phải phù hợp từng phân khúc thị trường khách theo độ tuổi, nền văn hóa và mang đặc thù riêng của Việt Nam để tạo khả năng cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.
Chẳng hạn, với sản phẩm du lịch CSSK gắn với suối khoáng nóng, theo TS Vũ Nam, Vụ Thị trường Du lịch (Tổng cục Du lịch), ngoài việc khai thác triệt để các công dụng của suối khoáng nóng vào việc chữa bệnh, phục hồi, CSSK, còn có thể kết hợp nhiều liệu pháp chăm sóc, làm đẹp truyền thống khác mà Việt Nam sẵn có như spa sử dụng thảo dược thiên nhiên, tắm thuốc lá người Dao, xông hơi thảo dược trước khi tắm khoáng nóng…
Sự kết hợp này sẽ tạo ra nét khác biệt giữa sản phẩm du lịch CSSK của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Khi đã hình thành được sản phẩm thì việc quản lý chất lượng sản phẩm cũng quan trọng không kém. Bà Triệu Thị Hòa, Công ty lữ hành PYS cho rằng, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền của ngành du lịch và y tế để thẩm định chất lượng kỹ thuật liên quan các dịch vụ CSSK trong hoạt động du lịch.
Thêm một vấn đề được các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh là việc phát triển đội ngũ nhân lực đủ khả năng đáp ứng nhu cầu du khách khi tham gia loại hình du lịch mang tính đặc thù này. TS Đỗ Hải Yến, Khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) nhận định: Nhân lực làm du lịch CSSK cần thời gian tích lũy kiến thức trước khi đưa vào sử dụng.
Vì thế, họ cần được tạo nguồn ngay thông qua công tác đào tạo, tập huấn để được trang bị về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, khả năng ngoại ngữ liên quan các dịch vụ CSSK trong hoạt động du lịch… Ở Việt Nam, loại hình du lịch này vẫn còn khá mới. Chưa có nhiều doanh nghiệp tập trung khai thác các sản phẩm đặc thù, phần lớn mới chỉ gắn vào hành trình nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.
Do đó, để xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch CSSK, ngành du lịch trên cơ sở xác định những sản phẩm cụ thể gắn với đặc trưng, thế mạnh của Việt Nam phải đẩy mạnh truyền thông, quảng bá dưới cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đến du khách trong nước và nước ngoài. Kế hoạch phát triển du lịch CSSK cần được xây dựng, thực hiện theo từng giai đoạn với các mục tiêu rõ ràng mới có thể bảo đảm sự phát triển hiệu quả, lâu dài và bền vững.
TRANG ANH (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm