Quản lý hầu bao

Thức đêm 'săn' hàng giảm giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều bạn trẻ lựa chọn thức khuya (lúc 0 giờ 7.7) để "săn" hàng giảm giá với các món hàng ưa thích.

Thức khuya để lấy được mã hàng giảm giá sâu

Háo hức chờ đợi đợt giảm giá lớn trong tháng, Nguyễn Trần Tuyết Trâm, sinh viên Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM, dành thời gian thêm trước sản phẩm cần mua vào giỏ hàng và đợi đến 0 giờ để chốt đơn hàng giảm giá. "Sau khi chọn đồ cần mua, mình thường vào các nhóm cộng đồng trên Facebook để tìm kiếm và lưu về những mã giảm giá phù hợp, nhằm có thêm ưu đãi cho các đơn hàng, nhiều khi may mắn được giảm đến 50%". Trâm chia sẻ.

Bạn trẻ không ngại thức "săn" hàng giảm giá lúc 0 giờ để mua được sản phẩm với giá cực rẻ. Ảnh PHƯƠNG ANH

Bạn trẻ không ngại thức "săn" hàng giảm giá lúc 0 giờ để mua được sản phẩm với giá cực rẻ. Ảnh PHƯƠNG ANH

Tuyết Trâm cho biết thêm cách áp dụng để chi tiêu hợp lý cho việc mua sắm: "Mình vừa chi 2 triệu đồng để mua mỹ phẩm và quần áo mới. Phần tiền này được trích từ tiền thu nhập làm thêm. Để không sa đà vào cảnh "tiền mất tật mang", mình chú trọng những sản phẩm có lượt bán cao và nhận nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng đã mua trước đó".

Không chỉ thức đến 0 giờ, Nguyễn Ngọc Ánh Dương, học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên, Bình Chánh, TP.HCM, còn canh những khung giờ khác trong ngày để mua được nhiều món hàng với giá tốt. Vì còn đang đi học và tiền tiêu vặt hằng tháng đều do ba mẹ cho nên thỉnh thoảng Ánh Dương sẽ nhịn ăn sáng để tiết kiệm tiền.

"Mỗi tháng ba mẹ cho em 1 triệu đồng để tự mua đồ ăn, thức uống và trả tiền xe khi đi học. Có mấy lúc muốn mua son hay kem chống nắng thì em sẽ trích tiền từ đó ra chứ không xin ba mẹ nữa. Trong đợt này, em có mua giúp mẹ nước giặt nhưng khi đặt hàng thì quên thêm mã giảm giá vận chuyển. May là em phát hiện kịp để đặt lại trước khi nó hết hạn, chứ không là tiếc lắm", Ánh Dương bày tỏ.

Thường hay ngủ quên buổi tối nên Nguyễn Thị Kim Truyền, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, quyết định sẽ hẹn báo thức lúc 6 - 7 giờ để thức dậy "săn sale". Món hàng nào không được giá tốt thì Kim Truyền sẽ đợi đến một khung giờ khác hoặc xem các phiên livestream độc quyền của thương hiệu cũng như các KOL (người có sức ảnh hưởng) nổi tiếng.

Các nhóm cộng đồng về "săn' hàng giảm giá trên Facebook thu hút hàng ngàn đến hàng trăm ngàn người tham gia

Các nhóm cộng đồng về "săn' hàng giảm giá trên Facebook thu hút hàng ngàn đến hàng trăm ngàn người tham gia

Đợt này, Kim Truyền mua 1 chai sữa rửa mặt 500ml với giá 250.000 đồng, được tặng kèm 1 chai 310ml, miễn phí giao hàng và giảm thêm 44.000 đồng trên toàn hóa đơn. Chia sẻ thêm về một lần mua hàng "dở khóc dở cười", bạn nói: "Mình rất cố chấp với mã giảm "đã dùng 99%". Lúc đầu thêm được nhưng khi thanh toán thì bị báo lỗi. Do đó bắt chước video trên mạng và nhấn thanh toán liên tục. Tự nhiên 15 phút sau mất tài khoản luôn".

Tương tự Kim Truyền và Lữ Kim Yến, sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM, ngụ Q.12, cũng không mua được sản phẩm với giá "hời" do mã giảm giá đã hết lượt sử dụng. Dù đã canh đúng khung giờ để mua hàng nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra. Đều này khiến Kim Yến cảm thấy rất tiếc và cũng khá khó chịu khi phải bỏ lỡ sản phẩm mà mình yêu thích.

Nguyễn Nhật Cúc Hương, sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM, ngụ tại huyện Bình Chánh, cho biết với trường hợp mã giảm giá đã hết lượt sử dụng thì mình nên sử dụng bằng cách tìm mua hàng mặt hàng khác có giá trị tương đương

Ngoài mã giảm từ sàn thương mại điện tử, Cúc Hương còn nhận được ưu đãi từ nhãn hàng khi chốt đơn trên livestream. "Bình luận theo cú pháp mà người bán được yêu cầu thì họ sẽ gửi thêm khuyến mãi sốc, nhưng mà cũng hên xui lắm vì mình phải nhanh thì mới săn được", Cúc Hương chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm