(GLO)- Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa X diễn ra từ ngày 15 đến 17-7-2015, các đại biểu sẽ quyết nghị nhiều nội dung quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015) của tỉnh. Phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Phạm Đình Thu-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh xung quanh một số nội dung tại kỳ họp.
- P.V: Thưa ông, tại kỳ họp này sẽ đánh giá và đưa ra giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nhiệm vụ kinh tế-xã hội của những tháng còn lại năm 2015. Xin ông cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng kỳ họp này góp phần vào thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2011-2015) của tỉnh.
Ông Phạm Đình Thu: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2015, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà phát triển khá, nhiều chỉ tiêu đạt kế hoạch. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn có nhiều cố gắng, đảm bảo tiến độ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,75%, tăng 0,59% so với cùng kỳ năm trước (theo giá năm 1994). Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm liên tiếp gần đây. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng dạy và học có tiến bộ; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, phòng-chống dịch bệnh, các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chỉnh trang đô thị tiếp tục được quan tâm.
Quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, tổ chức tiếp công dân, đấu tranh phòng-chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được chú trọng... là tín hiệu đáng mừng của “bức tranh” kinh tế-xã hội tỉnh ta. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, chúng ta còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là: Tình hình khô hạn xảy ra trên diện rộng, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đời sống của người dân. Giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm; năng lực một số chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu còn yếu; vẫn còn một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản khởi công mới năm 2015 chưa triển khai thực hiện đúng tiến độ; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2014 sụt giảm 17 bậc so với năm 2013. Cải cách thủ tục hành chính vẫn là khâu yếu, mức độ hài lòng của doanh nghiệp và người dân đối với cơ quan nhà nước chưa cao; tình hình trật tự, an toàn xã hội, tệ nạn ma túy, an ninh nông thôn, an ninh biên giới có nhiều diễn biến phức tạp; số xã đạt chuẩn nông thôn mới khó đạt kế hoạch…
Việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2015 có ý nghĩa quyết định đối với kết quả chung thực hiện các mục tiêu của cả nhiệm kỳ. Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, tập trung toàn lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2015. Trong đó, một số chỉ tiêu quan trọng như: Thu ngân sách, huy động vốn đầu tư phát triển, hoạt động xuất khẩu, xây dựng nông thôn mới, môi trường,.. phấn đấu 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng trưởng kinh tế khoảng 13,73%.
- P.V: Năm 2015, một số luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư có hiệu lực như: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Tại kỳ họp này, các đại biểu sẽ xem xét, quyết định một số chính sách liên quan, tạo động lực thu hút đầu tư trên địa bàn. Ông có thể cho biết rõ hơn về nội dung này?
Ông Phạm Đình Thu: Như chúng ta đã biết, năm 2015 một số luật mới có hiệu lực thi hành, trong đó có Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Đây là những luật quan trọng, liên quan đến việc xác lập thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đồng thời, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Căn cứ vào Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 với rất nhiều thay đổi liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp và các nhà đầu tư, HĐND tỉnh sẽ ban hành nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư áp dụng trên địa bàn tỉnh thay thế Nghị quyết số 24/2011/NQ-HĐND ngày 9-12-2011. Khi chính sách mới được thông qua, các nhà đầu tư có hoạt động đầu tư tại tỉnh, ngoài được hưởng hỗ trợ quy định tại Nghị định số 210/2013/NĐ-CP và một số chính sách hỗ trợ khác của Trung ương, còn sẽ có nhiều chủ trương quan trọng so với quy định hiện tại về hình thức đầu tư, quy định mới về giấy chứng nhận đầu tư, mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ đầu tư,… trong đó có quy định chi tiết về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài, điều kiện, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài.
Những chính sách hỗ trợ này chưa nhiều và cũng chưa phải là cao so với một số tỉnh trong khu vực như Đak Lak, Đak Nông. Hơn nữa, với điều kiện cụ thể của tỉnh ta, đây cũng mới là chính sách khuyến khích, hỗ trợ chứ chưa phải là ưu đãi đầu tư nhưng đó là những cố gắng rất lớn của tỉnh. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, phụ thuộc nhiều vào thủ tục hành chính. Vì thế, bên cạnh chính sách hỗ trợ, tỉnh phải có bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính, phát huy hiệu quả của các trung tâm giao dịch “một cửa”, “một cửa liên thông” và hướng đến “một cửa điện tử”.
Cụ thể hóa Luật Đầu tư công và tạo cơ sở thực hiện dự án trọng điểm nhóm C của tỉnh, kỳ họp lần này HĐND tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết về tiêu chí dự án trọng điểm nhóm C để triển khai thực hiện. Hy vọng các vị đại biểu HĐND tỉnh sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng suốt quyết định, ban hành tiêu chí rõ ràng, phù hợp thực tiễn để thuận tiện trong việc lựa chọn và quyết định đầu tư các dự án, công trình mang tính đột phá nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh phát triển.
- P.V: Xin cảm ơn ông!
Lê Văn Nhung (thực hiện)