Kinh tế

Thực phẩm sạch "đón đầu" dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Xu hướng lựa chọn thực phẩm sạch của các bà nội trợ đang buộc các nhà vườn phải chuyển hướng sang trồng rau quả sạch, an toàn. Cùng với đó các cửa hàng thực phẩm sạch xuất hiện nhiều trước thềm Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Nhà vườn chuyển hướng
Để phục vụ nhu cầu rau, củ tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán, TP. Pleiku đã tăng diện tích trồng rau sạch trong vụ Đông Xuân lên gần 600 ha; trong đó xã An Phú được xem là vựa rau lớn nhất thành phố với tổng diện tích 345 ha. Bà Trần Thị Phương-Phó Chủ tịch UBND xã An Phú cho hay: “Để đáp ứng nhu cầu rau sạch, rau an toàn ngày càng cao của người dân, UBND xã vừa xây dựng thành công mô hình tổ sản xuất rau Phú An đạt tiêu chuẩn VietGAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt của Việt Nam)”.  
Ảnh: Đức Phương
Ảnh: Đức Phương
Mô hình tổ sản xuất rau an toàn Phú An ở xã An Phú có 9 hộ nông dân tham gia trồng trên diện tích 23 ha bắt đầu từ tháng 9-2016. Ủy ban nhân dân xã An Phú phối hợp với Phòng Kinh tế TP. Pleiku, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) hỗ trợ nông dân một phần kinh phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời hướng dẫn và giám sát về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói sản phẩm theo quy trình VietGAP. “Toàn bộ hơn 23 ha rau, củ, quả của 9 hộ dân tham gia trong mô hình tổ sản xuất rau an toàn Phú An đã được Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản tỉnh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm rau an toàn của các hộ dân bán ra thị trường tiêu thụ rất tốt”-ông Nguyễn Phi Khanh-Cán bộ Khuyến nông xã An Phú cho hay.
Nắm bắt xu thế của thị trường, nhiều hộ dân đã chuyển hướng sang xây dựng nhà lồng, sản xuất theo quy chuẩn rau sạch, rau an toàn. “Gia đình tôi vừa đầu tư nhà lồng diện tích 1.000 m2 với tổng kinh phí hơn 240 triệu đồng để sản xuất rau sạch, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Trồng rau trong nhà lồng, gieo hạt giống vào lỗ đục sẵn trong khay xốp… phải tuân thủ đúng quy trình của cơ quan quản lý chất lượng đề ra. Mặc dù tốn nhiều công sức hơn nhưng lợi ích thấy rõ: giảm các chi phí về giống, phân bón, thuốc trừ sâu; đặc biệt là hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn trồng rau theo phương pháp truyền thống vì có đầu ra ổn định hơn”-ông Đỗ Thanh Thú-Tổ trưởng tổ sản xuất rau Phú An (xã An Phú) nói. 
Tại vựa rau An Phú, nhiều hộ dân không có đủ kinh phí để làm nhà lồng cũng đã chuyển hướng liên kết với Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (thôn 6, xã An Phú) để trồng rau sạch. “Cùng với vườn rau 2 ha của đơn vị, chúng tôi đã liên kết với các hộ nông dân có đất tại xã An Phú để phát triển mô hình trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap lên 5 ha, giúp nông dân ổn định đầu ra sản phẩm và tăng thêm thu nhập”-ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú nói.
Cửa hàng thực phẩm sạch lên ngôi
Thời gian gần đây, người tiêu dùng ở Phố núi Pleiku đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các cửa hàng thực phẩm sạch. Nắm bắt xu thế đó, chị Nguyễn Thị Thủy-một công chức của Viện Kiểm sát TP. Pleiku đã ký hợp đồng với Trường Đại học Cần Thơ mở Cửa hàng đặc sản sạch số 2-Pleiku tại địa chỉ 62 Tăng Bạt Hổ (phường Yên Đổ, TP. Pleiku) bán các sản phẩm sạch có nguồn gốc chủ yếu ở đđồng bằng sông Cửu Long. “Đây là cửa hàng số 2 trong chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của Trường Đại học Cần Thơ. Thực hiện chương trình liên kết giữa Trường Đại học Cần Thơ và các doanh nhiệp nhỏ và vừa ở đồng bằng sông Cửu Long về sản xuất, tiêu thụ nên các sản phẩm của cửa hàng được cung ứng từ các hợp tác xã, doanh nghiệp có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”-chị Thủy cho hay.
Đây là cửa hàng chuyên cung cấp sỉ và lẻ hơn 200 mặt hàng đặc sản sạch có nguồn gốc miền Tây như: khô cá sặc, khô cá lóc, khô nhái; bưởi da xanh, bưởi Năm Roi; các loại gạo; các loại hạt, mứt, bánh kẹo, các loại trà, rượu Tết; mỹ phẩm, dầu dừa… “Cùng với đó, cửa hàng cũng đã cung cấp thêm khoảng 30 mặt hàng đặc sản sạch của các địa phương khác trong cả nước. Trong đó đáng chú ý có sản phẩm bò một nắng Krông Pa và một số sản phẩm cà phê sạch của Gia Lai được rất nhiều khách hàng ưa thích”-chị Thủy cho biết thêm.
Xu hướng tất yếu người tiêu dùng tìm đến sản phẩm sạch nhằm đảm bảo sức khỏe đã giúp cho các đơn vị cung ứng “ăn nên làm ra”. “Sản phẩm rau, củ, quả sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP của Công ty bán tại cửa hàng ở Trung tâm Thương mại Pleiku, Siêu thị Co.op Mart Pleiku và chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Mỗi ngày Công ty cung cấp hơn 2 tạ rau sạch nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường”-ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú, nói. 
Ông Bùi Quốc Bình-Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku cũng cho hay: “Mỗi ngày siêu thị bán ra 100 triệu đồng các loại rau, củ, quả, thịt cá, thủy sản tươi sống. Hàng hóa rau củ, quả đều theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài 80 kg rau sạch của Công ty Hương Đất An Phú là sản phẩm của Gia Lai, đơn vị phải nhập rau của Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh mới đủ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng”. Cũng theo ông Bình, nhu cầu sản phẩm rau, củ  quả, tươi sống, sạch, an toàn của người dân Pleiku ngày càng tăng, sản phẩm đơn vị bán ra năm sau luôn tăng hơn năm trước 20%. 
Bên cạnh mặt hàng rau, củ quả, thời gian gần đây xuất hiện nhiều hơn các sạp hàng bán heo đồng bào dân tộc thiểu số, gà thả vườn-một đặc sản sạch của địa phương. Thịt heo ở đây là loại heo do đồng bào Jrai, Bahnar địa phương nuôi theo tập quán thả rông. Khi nấu lên, thịt heo loại này săn chắc, mỡ và da cũng giòn, thơm ngon nên rất được người dân ưa chuộng dù giá bán có cao hơn chừng 30.000 đồng/kg. “Mỗi ngày gia đình mổ thịt 2 con heo đồng bào dân tộc thiểu số, bán một lúc buổi sáng là hết veo. Nhiều người mua cả chục ký về nhà ăn dần và gửi vào TP. Hồ Chí Minh cho con cái, người thân”-chị Nguyễn Thị Hoa-một người bán thịt heo trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP. Pleiku) nói.
 Đức Phương

Có thể bạn quan tâm