Cụ thể trong vụ việc này, xe giường nằm của nhà xe Tân Kim Chi là loại xe 24 giường nhưng lại chở đến khoảng 30 hành khách theo mô hình 'cabin', 'giường nằm đôi'.
Những năm qua, loại xe "phòng nằm" bắt đầu xuất hiện để vận chuyển hành khách và ngày càng trở nên phổ biến. Tuy có cùng kích thước với loại xe 44 giường, nhưng các loại xe "phòng nằm" được thiết kế chỉ có 22 hoặc 24 giường, còn gọi là "cabin" hoặc "phòng nằm". Nhờ số lượng giường ít hơn nên diện tích mỗi giường rộng rãi và có nhiều tiện ích hơn so với các dòng xe 44 giường, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho hành khách.
Thế nhưng, chẳng bao lâu sau khi ra đời, nhiều hãng dịch vụ vận tải, nhà xe đã tìm cách thu lợi bằng cách tự ý tổ chức thành xe "giường đôi", tức mỗi giường như vậy bố trí 2 người nằm. Như vậy, mỗi giường có thể bán 2 vé, trong khi theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất thì mỗi giường chỉ 1 người nằm.
Mô hình xe "giường đôi" này nhanh chóng được quảng bá và hoạt động tràn lan, thậm chí trên các cung đường có nhiều đèo núi nguy hiểm như các tuyến đường đến Đà Lạt (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai)… Thậm chí, các nhà xe còn đa dạng hóa mô hình này dưới những cái tên như "xe cabin tình yêu", rồi rầm rộ hoạt động. Điển hình nhà xe Tân Kim Chi, đơn vị vận hành chiếc xe trong vụ tai nạn nói trên, cũng đăng tải trên website để quảng bá cho dịch vụ "giường đôi" trái phép. Lạ một điều là dù từng bị cảnh báo, nhưng các nhà xe vẫn vô tư tổ chức mô hình này ở nhiều tỉnh thành, thậm chí công khai quảng cáo.
Trong khi đó, bố trí "giường đôi" đồng nghĩa với việc xe hoạt động vượt quá tiêu chuẩn của nhà sản xuất. Cần nhớ, mỗi chiếc xe được sản xuất ra đều có tiêu chuẩn nghiêm ngặt liên quan số lượng người, kích thước và trọng tải xe… để có thiết kế tương ứng về các tiêu chí an toàn. Vì thế, khi xe chở vượt số người so với thiết kế thì tiềm ẩn nguy hiểm không nhỏ, nhất là trong các tình huống khẩn cấp như thắng gấp. Mức độ nguy hiểm càng trở nên lớn hơn khi xe vận hành trên các cung đường đồi núi.
Hiện nay, xe giường nằm chủ yếu hoạt động dưới 2 hình thức là xe tuyến cố định và xe hợp đồng, đều được quy định rất rõ ràng trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành giao thông liên quan lĩnh vực này được quy định rất rõ ràng, với nhiều biện pháp và cách thức tiền kiểm lẫn hậu kiểm.
Vì thế, để thực trạng nói trên tồn tại thì không chỉ là trách nhiệm của nhà xe, đơn vị vận chuyển mà còn là của các cơ quan chức năng liên quan. Và không có lý gì để hình thức hoạt động sai rành rành, đầy nguy hiểm như trên lại ngang nhiên tồn tại.
Theo Ngô Minh Trí (TNO)