Kỳ 1: Doanh nghiệp ngoài nhà nước góp phần phát triển kinh tế-xã hội
(GLO)- Ngày 23-11-1996, Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Chỉ thị số 07 chỉ đạo về việc tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 14 năm sau, ngày 29-7-2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Kết luận số 80 khẳng định “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 07 (nói trên) của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới”. Ngày 2-7-2008, Tỉnh ủy Gia Lai đã xây dựng Đề án số 01 về “Xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân”, mới đây, ngày 9-6-2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có báo cáo về việc thực hiện các văn bản nói trên. Chúng tôi đề cập một số nội dung xung quanh vấn đề này.
Theo tài liệu chúng tôi có được, tính đến cuối năm 2013 Gia Lai có 2.517 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đang hoạt động, với tổng nguồn vốn trên 20.745 tỷ đồng. Trong số đó, doanh nghiệp thành lập theo Luật Hợp tác xã (HTX) có số vốn là 72,7 tỷ đồng, DNTN 3.143 tỷ đồng, công ty hợp doanh 1.200 tỷ đồng, công ty trách nhiệm hữu hạn 5.252,2 tỷ đồng, công ty cổ phần tư nhân 8.710 tỷ đồng, số công ty có vốn nhà nước dưới 50% là 220,5 tỷ đồng, công ty có vốn nhà nước trên 50% là 3.346 tỷ đồng.
Khánh thành Nhà máy Đường-Nhiệt điện của HAGL tại Lào. Ảnh: Bích Hà |
Điều nói trên có thể khẳng định rằng việc thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa trên địa bàn có bước phát triển đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực; từ việc phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp, đến quy mô đầu tư và hoạt động, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hình thức sở hữu. Cụ thể, trong tổng số 2.517 doanh nghiệp, có 287 công ty cổ phần tư nhân, 1.395 công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân, 729 doanh nghiệp tư nhân, 1 công ty hợp doanh, 51 doanh nghiệp thành lập theo Luật HTX, 15 doanh nghiệp có vốn nhà nước dưới 50%, 39 doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50%.
Những con số nói trên, cho chúng ta thấy ngoài sự phát triển và hoạt động đa dạng của doanh nghiệp và hình thức sở hữu, còn ghi nhận sự định hướng phát triển bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, cho nên trong những năm qua, kể từ khi tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 80, ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và trước đó, Chỉ thị 07, ngày 23-11-1996 của Bộ Chính trị khóa VIII về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân, (gọi tắt là DNTN) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” tình hình kinh tế-xã hội, nhất là lĩnh vực đầu tư cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ... trên địa bàn tỉnh có bước phát triển và ổn định theo hướng bền vững. Kết quả sản xuất kinh doanh ngày càng có hiệu quả, nhiều lĩnh vực như xây dựng, chế biến, gia công đồ gỗ, nông sản, khai thác khoáng sản, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn và vừa... đem lại lợi nhuận khá và đóng góp cho ngân sách nhà nước ngày càng tăng.
Vùng cây nguyên liệu tập trung của Công ty cổ phần Tập đoàn HAGL. Ảnh: Bích Hà |
Đặc biệt, đi đôi với phát triển sản xuất kinh doanh, thì việc thu nhận, sử dụng lao động, nhất là lao động tại chỗ cũng được quan tâm; trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động như đã nói trên, có 10 doanh nghiệp lớn, 58 doanh nghiệp vừa, 1.117 doanh nghiệp nhỏ, số còn lại là loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ; cho đến thời điểm này, ước có trên 42.000 lao động có việc làm; trong đó, những doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai... là những doanh nghiệp có nhiều lao động đang làm việc ổn định nhất. Riêng Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai hiện có gần 5,5 ngàn cán bộ, công nhân viên có việc làm thường xuyên, ổn định với mức thu nhập bình quân đầu người 7,8 triệu đồng/tháng, và Tập đoàn đảm bảo thực hiện các chính sách, chế độ theo quy định của Nhà nước như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động...
Thực trạng tình hình kinh tế thị trường và sự khó khăn lớn trong những năm nền kinh tế cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng bị suy thoái, sản xuất kinh doanh, nhất là những doanh nghiệp chưa đủ mạnh về tài chính gặp không ít khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động hoặc giải thể, phá sản. Tuy vậy, với đặc điểm kinh tế nông nghiệp và nền sản xuất nhỏ, lĩnh vực kinh doanh gắn với nông nghiệp, nông thôn, nông dân nên doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ít bị tác động, chi phối bởi sự khủng hoảng kinh tế nói chung và suy thoái kinh tế của cả nước ta nói riêng. Mặt khác nhiều doanh nghiệp đã sáng suốt, linh động chuyển dịch cơ cấu đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, gắn thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài.
Theo số liệu thống kê, đến nay trong tổng số DN ngoài nhà nước toàn tỉnh (2.517) có 1.300 DN sản xuất kinh doanh có lãi hoặc hòa vốn; 1.217 DN thua lỗ. (Loại hình công ty cổ phần/TNHH có vốn nhà nước sở hữu từ 50% trở xuống chỉ có 1/15 DN làm ăn thua lỗ); loại hình công ty TNHH tư nhân có 732/1.395 DN gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ kéo dài. Riêng loại hình DNTN chiếm trên 42% (307/729) đơn vị kinh doanh thua lỗ. |
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu đầu tư; được biết doanh nghiệp này, hiện đang tập trung đầu tư cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó đa dạng cây trồng, vật nuôi, cả cách làm theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài” mà theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa, ứng dụng triệt để các thành tựu khoa học, công nghệ từ khâu đầu đến khâu cuối cho ra sản phẩm. Với cách làm đó, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đang sở hữu cho mình hàng trăm ngàn héc-ta các loại cây trồng ngắn và dài ngày với nhiều vùng chuyên canh cây nguyên liệu tập trung và đàn đại gia súc hàng vạn con gắn với các nhà máy chế biến theo công nghệ hiện đại.
Nhìn tổng thể thì doanh nghiệp ngoài nhà nước trên địa bàn tỉnh mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều đơn vị vẫn duy trì hoạt động khá tốt, chứng tỏ việc đề ra chủ trương và các biện pháp phát triển bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong cơ chế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa là phù hợp với đặc điểm tình hình hiện tại của đất nước, và việc chủ trương liên tục xây dựng, phát triển, củng cố tổ chức đảng và quần chúng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước là điều cần thiết, các tổ chức này chung tay giúp chủ doanh nghiệp, cùng chủ doanh nghiệp tìm những biện pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, ổn định thu nhập, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Từ đó góp phần cho sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh nhà.
Tuy nhiên, tình hình sản xuất kinh doanh, và các hoạt động có liên quan ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn còn khá nhiều khó khăn, nhiều cơ chế, chính sách ràng buộc, lỗi thời chưa được sửa đổi bổ sung, tháo gỡ kịp thời; người lao động chưa thật sự an tâm làm việc, thu nhập của họ ở một số doanh nghiệp bấp bênh, tác động không thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển tổ chức đảng và đoàn thể ở đây.
Bích Hà