Kinh tế

Thuốc diệt cỏ… diệt luôn cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Như báo Gia Lai đã phản ánh, gần một tháng nay, hơn 300 hộ dân ở huyện Kông Chro (Gia Lai) sử dụng thuốc diệt cỏ cho mía đã làm gần 70 ha cây trồng các loại bị chết và ảnh hưởng. Đến nay, các nhà sản xuất, nhà phân phối vẫn chưa có động thái gì và người dân huyện Kông Chro tiếp tục đợi chờ câu trả lời từ các cơ quan chức năng. Tín hiệu về một vụ mùa thất bát đã hiện hữu…
Nông dân điêu đứng
Đưa tay chỉ ruộng mía và ruộng ớt của mình bị cháy lá và chết do ảnh hưởng của thuốc diệt cỏ, ông Lê Thành Phương, ở thôn 4, xã Kông Yang ngậm ngùi cho biết: Nhà tôi trồng gần 3 ha mì và ớt cách đây gần một tháng khi gia đình ông Đặng Phùng Minh phun thuốc cỏ cho mía thì toàn bộ diện tích cây trồng bị chết hoặc khô lá. Đặc biệt, có những nơi cách ruộng mía 300-400 mét cũng bị vạ lây. Không chỉ gia đình ông Phương mà hơn 300 hộ nông dân ở các xã: Kông Yang, An Trung, Yang Trung, Yang Nam và thị trấn cũng đang chịu chung số phận.
Vườn mì bị chết do ảnh hưởng của thuốc.
Vườn mì bị chết do ảnh hưởng của thuốc.
Cách đây gần một tháng, hàng trăm nông dân của huyện đã mua các loại thuốc diệt cỏ chuyên dùng cho mía và dứa để phun diệt cỏ trong ruộng mía, thế nhưng khi sử dụng loại thuốc này thì hàng chục ha cây trồng liền kề bị chết và héo dần. Theo báo cáo của Trạm Bảo vệ Thực vật huyện Kông Chro thì qua quá trình kiểm tra tại ruộng mía và các đại lý, nông dân đã sử dụng các loại thuốc gồm: Metrimex 80 WP do Công ty cổ phần Vật tư Bảo vệ Thực vật Hà Nội phân phối, loại 1 kg/bì; Atramet ComBi 80 WP do Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật 1 Trung ương cùng Công ty  cổ phần Khử trùng Việt Nam phân phối loại 200 g/bì, 1 kg/bì. Đây là những loại thuốc có cùng hoạt chất là Amentryn 40% + Atrazine 40% dạng bột thấm nước.
Theo báo cáo của chính quyền địa phương, hiện nay đã có hơn 70 ha cây trồng bị ảnh hưởng do phun thuốc diệt cỏ. Trên thực tế, diện tích bị ảnh hưởng cao hơn nhiều do một số xã và một số người dân chưa báo cáo. Trong tổng diện tích bị thiệt hại thì đã có hơn 35 ha bị thiệt hại 100%, số còn lại khoảng 30-80%. Điều đáng nói là các cây trồng bị thiệt hại chủ yếu là ớt, lúa, mì, đậu xanh… nếu hiện nay nông dân có khẩn trương trồng lại thì cũng không kịp thời vụ hoặc sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển và năng suất sau này. Nhiều nông dân đã phải vay tiền ngân hàng để đầu tư cho sản xuất và cuộc sống của gia đình chỉ hy vọng vào vụ này, thế nhưng cái khó lại đè lên cái khổ với người dân huyện nghèo này.
Trong số các địa phương có diện tích cây trồng bị thiệt hại do phun thuốc diệt cỏ thì hai xã An Trung và Yang Trung là bị thiệt hại nặng nhất. Ông Vũ Văn Tĩnh- Phó Chủ tịch UBND xã Kông Yang cho biết: Nông dân đã chịu nhiều vất vả, tất cả đều tập trung cho vụ sản xuất này thế nhưng giờ thì nhiều người dân đã trắng tay. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo người dân nên thận trọng khi sử dụng thuốc này.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Mới đây, UBND huyện đã có buổi làm việc với Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh và đại diện các nhà phân phối và nhà sản xuất để tìm ra nguyên nhân cũng như biện pháp hỗ trợ người dân. Thế nhưng buổi làm việc này do các công ty không có lãnh đạo nên chưa có biện pháp gì cụ thể.
Ông Phương ở xã Kông Yang thẫn thờ nhìn những cây mì bị héo.
Ông Phương ở xã Kông Yang thẫn thờ nhìn những cây mì bị héo.
Cần phải nói thêm rằng những loại thuốc mà người dân sử dụng để trừ cỏ cho hai loại cây mía và dứa là loại cây một lá mầm. Tại buổi làm việc với UBND huyện Kông Chro, đại diện nhà sản xuất và nhà phân phối cho rằng, thuốc có khả năng ảnh hưởng đến các loại cây trồng khác trong phạm vi 5 mét. Tuy nhiên, trên thực tế thì nhiều loại cây trồng cách ruộng mía 200-400 mét cũng bị chết hoặc cháy lá. Chúng tôi đã quan sát các bao bì của những loại thuốc này, tuyệt nhiên không có một dòng chữ nào nói về khả năng ảnh hưởng đến những loại cây trồng khác hay khoảng cách an toàn cho các diện tích cây trồng liền kề.
Người dân huyện Kông Chro đang đặt câu hỏi liệu thuốc có bảo đảm chất lượng và nhà sản xuất đã khuyến cáo đầy đủ, rõ ràng? Phóng viên Báo Gia Lai đã gặp rất nhiều người dân để tìm hiểu cách phun và liều lượng phun thuốc. Hầu hết nông dân cho rằng mình đã đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và sử dụng thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Ông Đặng Ngọc Thi, ở thôn 4, xã An Trung cho biết: Đây là những loại thuốc đắt tiền, chúng tôi đã đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và chỉ phun vào gốc mía nhưng không hiểu vì sao 2 ha mì của tôi trồng gần ruộng mía lại bị chết cháy?
Tại buổi làm việc với đại diện các nhà phân phối, nhà sản xuất và các cơ quan, ban ngành liên quan, ông  Phan Văn Trung- Phó Chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho rằng: Huyện đã đề nghị các nhà phân phối thuốc, nhà sản xuất nếu chưa làm tốt công tác khuyến cáo cho người dân thì phải dừng ngay việc bán các loại thuốc trên địa bàn. Tuy nhiên, thuốc diệt cỏ có đảm bảo chất lượng không và người dân có thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng hay không thì cần phải được làm rõ.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ thực vật cho rằng, để tìm ra nguyên nhân vì sao cây trồng bị chết cần phải gửi mẫu đi giám định và tiến hành phun trình diễn các loại thuốc trên. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Gia Lai thì đến nay vẫn chưa có một cơ quan chuyên môn nào của tỉnh thực hiện việc này.
Vinh Hoàng- Lê Nam

Có thể bạn quan tâm