Kinh tế

Thương hiệu gạo Lệ Minh, nâng tầm giá trị gạo Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Không thể đếm xuể hiện có bao nhiêu thương hiệu gạo bày bán tại thị trường Gia Lai. Có điều, trong vô vàn các loại gạo ấy đã có sự hiện diện của hạt gạo gắn thương hiệu Lệ Minh nguồn gốc từ hạt lúa của đồng ruộng Gia Lai.

Ảnh: Quang Văn
Ảnh: Quang Văn

Ở Pleiku mấy chục năm, thay đổi rất nhiều loại gạo để nấu cơm nhưng đến khi dùng hạt gạo thương hiệu Lệ Minh (10B Nguyễn Trường Tộ, TP. Pleiku) lại muốn giữ mãi-chị Nguyễn Thị Hải, nhà số 11, đường Nguyễn Trường Tộ, TP. Pleiku nói vậy. Hỏi vì sao muốn giữ mãi hạt gạo ấy, chị Hải nói cách đây vài tháng, ông chủ cơ sở gạo Lệ Minh biếu chị 1 kg gạo lúa mới về nấu cơm ăn thử. Cơm nấu từ hạt gạo biếu có vị đậm đà, không lạc như cơm nấu từ các loại gạo khác; cơm để cả ngày vẫn mềm dẻo. Hương thơm của cơm phảng phất hương thơm hạt gạo-loại hương thơm đặc trưng đã bị mất trong bữa cơm hàng ngày từ lâu lắm nên chọn loại gạo này để dùng.

Có lẽ vì đặc trưng rất riêng ấy mà hạt gạo thương hiệu Lệ Minh đã đứng được trong lòng người tiêu dùng thành phố Pleiku, huyện Chư Prông… với sản lượng gạo tiêu thụ bình quân mỗi tháng trên 6 tấn. Người tiêu dùng trong tỉnh truyền tai nhau tìm đến đặt mua gạo, có lúc nhà cung cấp không đủ gạo để bán.

Tiếp tôi giữa gian phòng khách rộng chất đầy... gạo, ông chủ cơ sở cung cấp gạo Lệ Minh cũng là Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Gia Lai Trương Đình Dzu nói: Gạo Lệ Minh là sản phẩm từ hạt lúa mà doanh nghiệp liên kết với nhà nông-nhà khoa học-nhà nước trồng thử nghiệm lúa năng suất, chất lượng cao tại đồng ruộng Gia Lai.

Trải lòng về quyết định trở thành doanh nghiệp đầu tiên đầu tư, bao tiêu sản lượng lúa cho nhà nông của tỉnh thông qua liên kết “4 nhà”, ông Dzu nói hạt gạo không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình Việt. Có điều, giữa hàng trăm thương hiệu gạo bày bán tại thị trường nội tỉnh thời gian qua không thấy hạt gạo nguồn gốc từ ruộng lúa Gia Lai, mặc dù mỗi năm nông dân sản xuất tầm 300-350 ngàn tấn lúa, tương đương mấy trăm ngàn tấn gạo. Khoảng lặng của hạt gạo Gia Lai trên thị trường tiêu thụ đã làm giá trị kinh tế hạt lúa mang lại thấp, nhà nông quay lưng dần với cây lúa.
 

Ảnh: Quang Văn
Ảnh: Quang Văn

Trăn trở trên thôi thúc doanh nghiệp liên kết “4 nhà” củng cố lại niềm tin của nông dân vào cây lúa bằng chính sách đầu tư toàn diện cho nông dân trồng lúa năng suất, chất lượng cao. Từ lúc giống lúa chưa được vãi xuống ruộng, doanh nghiệp đã ký hợp đồng bao tiêu hết sản lượng lúa với giá 5.700 đồng/kg. Vẫn hiểu cụ thể hóa quyết định đầu tư trên, doanh nghiệp sẽ đối diện với nhiều khó khăn; có thể nông dân không trồng lúa. Vì để hạt gạo đủ sức cạnh tranh với thị trường cần có hạt lúa chất lượng tốt nên nông dân trồng lúa năng suất chất lượng cao tuân thủ quy trình Tăng-Phải-Giảm khác xa cung cách trồng lúa nông dân áp dụng lâu nay. Biết vậy nhưng tự trong sâu thẳm suy nghĩ của mình, ông vẫn tin sẽ kéo được nhà nông quay trở lại với cây lúa khi tận mắt chứng thực lợi nhuận từ hạt lúa sánh ngang lợi nhuận với các loại cây trồng ngắn ngày khác.

Niềm tin của ông Dzu được chính quyền thị xã An Khê, huyện Phú Thiện chia sẻ và đưa vào thực tiễn khi vựa lúa Phú Thiện, cánh đồng Đập Soi Tròn, thôn An Điền Nam, xã Cửu An đã hiện diện những ruộng lúa năng suất, chất lượng cao giống OM4900. Nhà nông Lê Văn Trung, thôn An Điền Nam 2, xã Cửu An nói trồng lúa năng suất chất lượng cao, nông dân chỉ tốn tiền cày đất, tiền công chăm sóc còn phân bón, giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật được doanh nghiệp tạm ứng trước. Đất không phụ công những người tâm huyết, cây lúa trên đồng sinh trưởng tốt, năng suất lúa bình quân vụ Mùa vừa rồi đạt 6 tấn/ha. Ngày nông dân gặt lúa, tư thương tìm đến đặt giá thu mua từ 6.000-6.200 đồng/kg.

 

Quy trình trồng lúa Tăng-Phải-Giảm là: Tăng năng suất; lợi nhuận; chất lượng. Phải dùng giống xác nhận; gieo sạ đúng mật độ; chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật; sử dụng phân bón đúng chất lượng và đúng lượng cần thiết, đúng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng: chất lượng, liều lượng, thời điểm, loại thuốc, đúng cách; tuân thủ yêu cầu của nhà sản xuất và kỹ sư hướng dẫn… Giảm lượng giống gieo sạ; phân bón; thuốc bảo vệ thực vật; chi phí thủy lợi; thất thoát và thiệt hại đến môi trường.

(Nguồn Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Gia Lai)

Hỏi chuyện thu nhập từ trồng lúa chất lượng cao, anh Trung nói cũng nhỉnh hơn các năm trước tí đỉnh. Nhưng theo thông số từ nhà đầu tư thì suất đầu tư tối đa để trồng 1 ha lúa năng suất, chất lượng cao theo quy trình Tăng-Phải-Giảm là 13,5 triệu đồng. Đặt mức đầu tư này vào năng suất lúa bình quân 6 tấn/ha, giá lúa bao tiêu 5.700 đồng/kg đã thấy lợi nhuận 1 ha lúa năng suất chất lượng cao thông qua liên kết “4 nhà” mang lại cho nhà nông là không nhỏ.

Còn Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Cửu An 1-ông Phạm Văn Tía tin lợi nhuận 1 ha lúa sẽ đạt mức 25 triệu đồng vào vụ Đông Xuân nếu nhà nông áp dụng đúng quy trình Tăng-Phải-Giảm để tiết kiệm hơn nữa chi phí đầu tư, cộng với năng suất lúa vụ Đông Xuân bao giờ cũng cao hơn vụ mùa. Theo cách tính lợi nhuận trên, 1 năm 2 vụ lúa, nhà nông lời không dưới 40 triệu đồng/ha-mức thu lời không thấp hơn các loại cây trồng ngắn ngày khác, lại không lo đầu ra của hạt lúa bị thương lái ép giá nên diện tích trồng lúa năng suất chất lượng cao sẽ tăng mạnh theo từng vụ sản xuất. Dự báo của ông Tía đã thành hiện thực khi đến thời điểm này, nông dân thị xã An Khê, huyện Phú Thiện trồng lúa năng suất chất lượng cao đạt diện tích trên 100 ha, tăng hơn 60 ha so với vụ trước.

Chia sẻ kết quả diện tích trồng lúa năng suất chất lượng cao được mở rộng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê-ông Mang Viên Tý cho rằng nhờ điểm nổi bật của liên kết “4 nhà” là chuỗi sản xuất và tiêu thụ. Doanh nghiệp mua lúa giá cao hơn giá lúa thương phẩm trên thị trường tại thời điểm, nhà nông thu nhập cao, giúp cây lúa phát triển bền vững . Còn ông Dzu khẳng định diện tích trồng lúa mở rộng, mục tiêu “4 nhà” bắt tay nâng tầm giá trị thương hiệu lúa gạo Gia Lai trên thị trường, đóng góp vào tốc độ tăng tỷ trọng ngành nông nghiệp của tỉnh thông qua việc xây dựng “cánh đồng liên kết”; “cánh đồng sản xuất tập trung”; “vùng nguyên liệu lúa tập trung”… sớm được hiện thực hóa.

Quang Văn

Có thể bạn quan tâm