(GLO)- Theo xu thế hội nhập kinh tế, Gia Lai đã bắt đầu có những bước tiến mạnh mẽ trong việc phát triển thương mại điện tử (TMĐT).
Ảnh minh họa |
Chỉ mới đi vào hoạt động khoảng 1 tháng và đang trong quá trình hoàn thiện, song Sàn giao dịch Thương mại điện tử Gialai360.com (Công ty TNHH Gialai24h, số 155/19 Thống Nhất, TP. Pleiku) đã khẳng định được tính ưu việt của mình. Ông Trần Đức Minh-Giám đốc Công ty cho biết: “Mục tiêu của www.gialai360.com là cung cấp thông tin mua bán trực tuyến hàng đầu cho cộng đồng tại địa phương và khu vực lân cận. Chức năng chính của trang web là cho phép người mua và người bán kết nối thông tin dễ dàng trong một môi trường tiện lợi và rõ ràng, trên một nền tảng trực tuyến đơn giản, thân thiện. Không cần phải đăng ký, ai cũng có thể tìm kiếm và đăng các thông tin liên quan về các danh mục sản phẩm cần bán”.
Ngoài chức năng trưng bày, giới thiệu sản phẩm được rao bán, khi khách hàng click vào một tài khoản nào đó trên Sàn giao dịch gialai360.com, khách hàng sẽ có được tất cả những thông tin như logo, những sản phẩm của doanh nghiệp, địa chỉ liên hệ, bản đồ..., giống như một website của doanh nghiệp với đầy đủ nội dung. Điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí quảng cáo, đồng thời sẽ chủ động điều chỉnh tất cả những thông tin liên quan đến doanh nghiệp của mình.
Gialai360.com có thể được coi là Sàn giao dịch TMĐT tiên tiến nhất tại Gia Lai hiện nay. Trước đó, trang rao vặt gialai24h.net cũng được nhiều doanh nghiệp, cá nhân biết tới và tham gia. Đây là trang dành cho mua, bán, tìm kiếm nhà cửa, xe ô tô, tuyển dụng, thanh lý, sang nhượng, đồ điện tử mới hay cũ, vật nuôi và cả dịch vụ gia đình... Trung bình gialai24h.net có hàng trăm ngàn lượt truy cập mỗi ngày. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là trang rao vặt, tính bảo đảm về pháp lý chưa cao, thông tin các sản phẩm cũng khá rời rạc và sơ sài.
Ngoài những sàn giao dịch TMĐT lớn như gialai360.com và gialai24h.net thì trên địa bàn tỉnh ta hiện có khoảng gần 100 website của các doanh nghiệp được tạo ra nhằm quảng bá sản phẩm cho các doanh nghiệp đó. Tuy nhiên các website này đều có nội dung đơn điệu, ít cập nhật do hầu hết doanh nghiệp không có đội ngũ chuyên phụ trách mảng này. Ông Hùng-Giám đốc một công ty tại 79 Tôn Thất Tùng (phường Phù Đổng, TP. Pleiku), cho biết, Công ty có website từ đầu năm 2010, tuy nhiên nó chỉ là trang web để giới thiệu về Công ty và sản phẩm kinh doanh. Công ty cũng đang xây dựng website TMĐT để mặt hàng của Công ty được biết đến rộng rãi hơn trên cả nước, giúp khách hàng có thể mua hàng trực tiếp mà không qua khâu trung gian. Đây cũng là cách tiết kiệm chi phí cho Công ty vì không cần mở nhiều đại lý.
Để tạo điều kiện cho TMĐT phát triển, tỉnh ta cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn TMĐT cho các cán bộ quản lý nhà nước, đại diện các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn. Ngoài ra, UBND tỉnh còn ban hành Quyết định số 782/QĐ-UBND ngày 27-11-2015 phê duyệt kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch đặt một số mục tiêu cụ thể như: phấn đấu 30% doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch TMĐT; 50% doanh nghiệp có website riêng để quảng bá thương hiệu, sản phẩm; 1.000 lượt cán bộ doanh nghiệp, cán bộ quản lý nhà nước, thanh niên khởi nghiệp được tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn về TMĐT...
Để thực hiện mục tiêu này, kế hoạch phát triển TMĐT đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp như: tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về TMĐT; tập huấn chuyên sâu về TMĐT cho cán bộ quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp sử dụng phần mềm mã nguồn mở khi triển khai ứng dụng TMĐT, sử dụng các công nghệ phục vụ phát triển thanh toán trực tuyến; khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các tiện ích thanh toán qua phương tiện điện tử hỗ trợ người mua thanh toán trực tuyến, thúc đẩy phát triển TMĐT.
Hà Duy