TN - Đất & Người

Thương nhớ Sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sông Ba như một báu vật của Tây Nguyên nằm vắt qua dãy Trường Sơn hùng vĩ muôn đời đem phù sa bồi đắp tạo nên những cánh đồng màu mỡ của vùng trung du và hạ du, là nguồn sống của cư dân ven bờ.

Tôi chưa có dịp đi hết chiều dài của sông Ba từ thượng nguồn-đỉnh Ngọc Rô đến cửa sông Đà Diễn, nơi dòng sông về với biển Đông. Nhưng những vùng đất tôi về được diện kiến với dòng sông mẹ: Krong, An Khê, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa, Tuy Hòa… thì mới hiểu được thế nào là đời sông. “Sông cũng như người ấy, có khi vui buồn, có khi hờn ghen, chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy”. (Lời nhạc “Trở về dòng sông tuổi thơ” của Hoàng Hiệp).
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sông Ba đi qua địa phận thị xã An Khê ngày nay chạy từ đầu xã Tú An đến hết phường Tây Sơn có chiều dài hơn mười km. Nơi đây dòng sông phẳng lặng; lòng sông không rộng lắm, không thác ghềnh, có nhiều bậc thềm đá lô nhô khi mùa nước rọt. Tuy đây là khúc sông ngắn so với cả chiều dài của con sông đứng hàng thứ hai của Tây Nguyên nhưng nó có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc duy trì sự sống của cả dòng sông mẹ. Bởi vì, ở nơi này, con sông chảy qua là một đô thị đang trên đường phát triển với nhiều cơ sở công nghiệp chế biến có tác động trực tiếp đến môi trường; đồng thời đây cũng là đoạn đầu mối tiếp giáp với thượng nguồn, nơi đã hình thành các hồ chứa phục vụ cho Nhà máy Thủy điện An Khê-KaNak (173 MW); đặc biệt đoạn sông về đến đầu thị xã đã bị nắn dòng chảy về sông Côn phục vụ cho thủy điện An Khê.

Có thể tôi chưa hiểu hết sự tính toán khoa học của các nhà thủy văn và các nhà đầu tư thủy điện trên vùng thượng du sông Ba nhưng việc nắn dòng phân thủy để làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của một con sông lớn là điều ít thấy ở các quốc gia trên thế giới làm. Với cách làm thủy điện truyền thống là ngăn dòng tích nước phục vụ cho sản xuất điện và trả lại nguồn nước cho dòng sông mẹ. Còn vấn đề trị thủy là một lĩnh vực khác nữa mà các nhà khoa học hiện nay thường cân nhắc rất kỹ lưỡng và toàn diện nhằm đảm bảo môi trường, phục vụ cho lợi ích dân sinh. Nhưng ngày nay trong xu hướng nghiên cứu mang tính toàn cầu, các nhà khoa học thiên về bảo vệ và nương theo tự nhiên; trong xây dựng, phát triển không phá vỡ các cấu trúc có tính ổn định được hình thành trong tự nhiên. Nhiều người cho rằng, con người hôm nay đã làm cho thiên nhiên nổi giận vì sự liều lĩnh và vô nguyên tắc bởi lợi ích trước mắt. Môi trường trên hành tinh chúng ta ngày một xấu đi chính là do con người tạo ra. Đó là sự khuyến cáo mang tính nhãn tiền.

Trở lại với dòng sông Ba. Đây không những là nguồn sống trực tiếp mang yếu tố vật chất đơn thuần mà sâu xa hơn dòng sông còn là người bạn tinh thần mang tính chất văn hóa, lịch sử của cư dân bản địa lâu đời cũng như những công dân mới hội nhập từ giữa thế kỷ XVIII trên mảnh đất cao nguyên này. Cũng chính nơi đây, đã có biết bao thế hệ con người đã sinh ra và lớn lên bên dòng sông mẹ, cùng vui buồn trên bến sông xưa. Con sông cũng có khi dùng dằng giận hờn, hung dữ, miên man gầm réo, cũng có lúc hiền hòa, thơm thảo đáng yêu. Nó là chứng nhân lịch sử qua nhiều thời đại kể từ khi con người xuất hiện ở chốn thâm sơn này.

Không ai biết được dòng sông Ba có tự bao giờ, nhưng ngày nay khoa khảo cổ học đã dần dần làm hé lộ những cơ tầng văn hóa mà xã hội loài người từng có mặt sớm nhất bên bờ sông Ba. Nhiều di chỉ như Gò Đá (phường An Bình), Soi Tre (xã Cư An), Hlang (xã Yang Nam)… qua điền dã bước đầu, các nhà khảo cổ đã hết sức ngạc nhiên trước những hiện vật đồ đá của người tiền sử xuất hiện dọc theo con sông Ba cách đây hàng chục vạn năm. Có thể lắm, đây là dấu tích của nhiều tộc người nguyên thủy sống quần cư với phương thức săn, bắn, hái lượm dọc theo bờ sông Ba. Và sau đó nữa, khi xã hội loài người hình thành đến thời kỳ đồ đá mới rồi thời kỳ đồng thau cho đến khi có các cuộc chiến tranh các bộ tộc và hình thành các vương quốc… dường như đang được các nhà khoa học chứng minh qua những lớp trầm tích trên triền sông Ba hôm nay. Nếu sau này việc hé lộ một “nền văn minh” sông Ba qua khảo cứu thì chúng ta làm gì để bảo vệ nguyên trạng của dòng sông mẹ? Câu hỏi được đặt ra mà tôi không tìm được câu trả lời khi con người đang ứng xử thiếu trách nhiệm với sự biến đổi của con sông Ba.

Hiện trạng của đầu nguồn dòng sông Ba đang có vấn đề. Đó là nhận xét chung nhất mà đa số người An Khê hôm nay đã chứng kiến. Nguồn nước sông Ba đang bị ô nhiễm bởi các chất thải công nghiệp khiến cho cư dân nhiều vùng bị ảnh hưởng do nguồn nước sạch bị xâm hại. Thêm vào đó, dòng chảy sông Ba đang bị điều tiết nhỏ giọt, nhất là vào mùa khô con sông như lặng chết, môi trường sinh thái trong khu vực biến đổi khiến nhiều sinh vật quý hiếm như loài cua đinh, cá đá, cá chốt… có khả năng bị tuyệt chủng. Nhiều bến đò trên dòng sông người dân sống bằng nghề chài lưới, hôm nay đành gác mái ngư ông…

Chúng tôi ngồi trong Văn phòng UBND thị xã An Khê vào những ngày đầu mùa khô, không khí đã oi nồng và thoang thoảng đâu đây cái mùi khó ngửi bốc lên từ lòng sông cạn. Anh Chánh Văn phòng chỉ vào bình nước lọc mới mua: “Anh em ở đây đang phải dùng nước này để đun sôi pha trà. Nguồn nước lấy từ sông Ba không thể dùng được nữa, kể cả nước giếng đào cũng vậy”. Quả là điều đáng tiếc khi mà con sông mẹ đang ngày càng rời xa với cuộc sống con người!

Tôi không muốn khóa bài viết của mình bằng câu thơ, nhưng lòng cứ bâng khuâng khi nhớ đến bài thơ “Sông Ba chứng nhân lịch sử” của Quốc Thành, người thơ đang sống ở đất Tây Sơn Thượng đạo mà thương… mà nhớ…

 “…Ta toan vớt vầng trăng vừa mắc cạn/chợt bâng khuâng đáy cốc đọng khuôn ngà/gọi du khách bốn phương về họp bạn/sắc hương hòa thơ rượu nhấm…sông Ba”.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm