Kinh tế

Thường trực Chính phủ gặp mặt các doanh nhân tiêu biểu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 11-10, tại Hà Nội, Thường trực Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến gặp mặt đại diện doanh nhân tiêu biểu nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tham dự buổi gặp mặt có các Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ cùng một số doanh nghiệp tiêu biểu. Tham dự tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có đồng chí Dương Mah Tiệp-Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và 30 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chúc mừng đội ngũ doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10). Ảnh: Hà Duy
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chúc mừng đội ngũ doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10). Ảnh: Hà Duy

Phát biểu mở đầu hội nghị, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp rất trân trọng và ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, chính quyền các cấp, đặc biệt là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành rất quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, gỡ dần được nhiều nút thắt lớn cho doanh nghiệp.

Hiện tại, mong muốn nhất của cộng đồng doanh nghiệp chính là: Đảng, Chính phủ quan tâm có các giải pháp mạnh, kịp thời để chấn hưng khí thế, tinh thần kinh doanh trong doanh nhân và trong xã hội; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thuận lợi, dễ dàng; chấn chỉnh và phục hồi thị trường bất động sản; có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát huy lợi thế so với đối thủ cạnh tranh ở các thị trường mà nước họ chưa ký kết FTA; Chính phủ đẩy mạnh cải thiện hạ tầng logistics; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Dũng-Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo nhanh tình hình phát triển doanh nghiệp 9 tháng đầu năm. Theo đó, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tăng trở lại, niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố. Tính riêng trong quý III-2023, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022; tính chung 9 tháng năm 2023 là 165.000 doanh nghiệp.

Theo ước tính của Tổng cục thuế, ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng; trong 9 tháng của năm 2023, các khoản nộp ngân sách qua thuế GTGT đạt hơn 97 ngàn tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp đạt gần 248 ngàn tỷ đồng. Khu vực doanh nghiệp nhà nước đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Tính đến 30-6, tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước trên cả nước đạt gần 690 ngàn tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch; lãi phát sinh trước thuế là 67,4 ngàn tỷ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm.

Quang cảnh hội nghị gặp mặt tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Quang cảnh hội nghị gặp mặt tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Riêng tại Gia Lai, theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới gia nhập thị trường trong 9 tháng của năm 2023 là 685 doanh nghiệp (tăng 7,6% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế 6,7 ngàn tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 9.079 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 146,4 ngàn tỷ đồng.

Hội nghị đã nghe các tham luận chia sẻ về những giải pháp để vượt qua những khó khăn, thử thách thời gian qua và cam kết quyết tâm, nỗ lực vươn lên từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn FPT; Tập đoàn Masan; Công ty Secoin; Tập đoàn Thaco Trường Hải; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thái; Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank); Tập đoàn TH… Một số kiến nghị, đề xuất từ các tập đoàn, doanh nghiệp cũng được đề cập tại hội nghị, như: kịp thời tháo gỡ các khó khăn; hạ thuế, phí; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính...

Phát biểu tại hội nghị, nhân ngày truyền thống của đội ngũ doanh nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng nồng nhiệt tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, mong đội ngũ các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục lớn mạnh, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội, vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Hội nghị gặp mặt một mặt thể hiện sự tri ân, ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, mặt khác là để tiếp tục lắng nghe những ý kiến đóng góp, xây dựng, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, trên cơ sở đó, tiếp tục có chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cảm ơn sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân không chỉ trong sản xuất, kinh doanh mà còn trong công tác an sinh xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chính phủ luôn cố gắng lắng nghe để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tập trung cải cách hành chính; đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, logistics; nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm; dành nguồn đáng kể cho đầu tư công, năm 2023 là 8.000 tỷ đồng; tạo môi trường kinh doanh, đầu tư bình đẳng, ổn định, lâu dài. Chính phủ xác định phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; tập trung vào 3 mục tiêu lớn là: xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Chính phủ sẽ cụ thể hóa Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành ngày 10-10-2023 thành chương trình hành động để cùng với doanh nghiệp doanh nhân phát triển đúng hướng; xác định vai trò vị trí, tầm quan trọng, giải pháp phát triển và xây dựng đội ngũ doanh nhân ổn định, có cống hiến cho dân tộc, quốc gia; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; thúc đẩy tăng trưởng; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục phát triển, năng động, sáng tạo; liên kết liên doanh với nhau để tăng tính cạnh tranh”.

Có thể bạn quan tâm