Kinh tế

Thủy điện thiếu nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo 'nguy cấp về điện'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tập đoàn Điện lực Việt Nam mới đây đã có báo báo gửi Bộ Công thương về tình trạng nguy cấp cung ứng điện trong những tháng cao điểm mùa nắng nóng năm nay.

Nhiều hồ thủy điện dưới mực nước chết

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân mới đây đã ký báo cáo gửi Bộ Công thương về tình trạng nguy cấp cung ứng điện sẽ xảy ra trong những tháng cao điểm mùa nắng nóng năm nay.

EVN đang nỗ lực vận hành các hồ thủy điện đảm bảo cung ứng điện cho mùa nắng nóng năm nay. Ảnh: EVN

EVN đang nỗ lực vận hành các hồ thủy điện đảm bảo cung ứng điện cho mùa nắng nóng năm nay. Ảnh: EVN

Đáng lưu ý, EVN lo ngại các hồ thủy điện miền Bắc tiếp tục có nước về kém. Ghi nhận trong 4 tháng đầu năm, lưu lượng nước về chỉ đạt khoảng 70 - 90% so với trung bình nhiều năm. Một số hồ khu vực miền Trung và miền Nam cũng có nước về kém như Đại Ninh, Trị An, Đak R'Tih, Sông Côn 2...

Cũng theo EVN, đến ngày 24.4, nhiều hồ thủy điện trên hệ thống đã về mực nước thấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện và phục vụ nhu cầu dân sinh trong thời gian còn lại của mùa khô 2023. Trong đó, có 9 hồ đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết (tổng công suất khoảng 3.000 MW).

Đối với điện than, theo EVN, hiện nay khả năng cung cấp của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (TCT Đông Bắc) là 46 triệu tấn, thấp hơn so với biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2023 được phê duyệt tại Quyết định số 163/QĐ-BCT ngày 6.2.2023 là hơn 6 triệu tấn. Trong đó, các nhà máy của EVN đang thiếu 1,3 triệu tấn; việc mua than bổ sung cho lượng than do TKV và TCT Đông Bắc không cung cấp được gặp nhiều khó khăn, do hạn chế của thị trường và cơ sở hạ tầng tiếp nhập than nên đã xảy ra tình trạng thiếu than tại các nhà máy trong một vài thời điểm.

Nguồn cung cấp nhiên liệu khí cho sản xuất điện cũng gặp khó khăn. Theo thông báo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam (PVN/PVGas), khả năng cấp khí năm 2023 tiếp tục xu hướng giảm so với các năm trước do một số mỏ chính bước vào thời gian suy giảm. Sản lượng dự kiến năm 2023 là 5,6 tỉ m3, thấp hơn so với năm 2022 là 1,31 tỉ m3. Bên cạnh đó, một số mỏ khí đã có thời gian khai thác lâu, thường xuyên xảy ra sự cố, càng làm cho việc cung cấp khí cho sản xuất điện trở nên khó khăn.

Đối với nguồn điện gió, theo dữ liệu vận hành năm 2022, công suất tương ứng mức tần suất xuất hiện 50% trong giai đoạn từ tháng 5 - tháng 7 của các nguồn điện gió chỉ đạt từ 350 - 750 MW. Năm 2023, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khả năng phát điện của các nguồn điện gió trong các tháng 5, 6, 7 có thể thấp hơn năm 2022, càng về cuối giai đoạn mùa khô khả năng phát có xu hướng càng giảm, đặc biệt là thời gian cao điểm tối hàng ngày.

Tăng nhập khẩu điện từ Lào

Thông tin tại cuộc họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo T.Ư ngày 9.5, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết EVN đang bám sát diễn biến thủy văn, tình hình thời tiết, trao đổi với Bộ NN-PTNT và các địa phương để vận hành an toàn, hợp lý các hồ thủy điện. Bởi, ngoài mục tiêu phát điện, các hồ này còn đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất cho vùng hạ du.

Trong báo cáo gửi Bộ Công thương, EVN cho biết sẽ huy động tối ưu các nguồn thuỷ điện miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra miền Bắc, điều tiết để nâng và giữ mực nước bằng mực nước theo Kế hoạch 2976 của Bộ Công thương đến cuối tháng 5 để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện.

Để bổ sung nguồn cung điện trong nước, EVN sẽ tăng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào về Việt Nam. Nhưng nguồn điện nhập từ Trung Quốc về Việt Nam qua Lào Cai và Hà Giang hiện khó có thể nâng công suất do giới hạn ở đường dây 220 kV. EVN đang đàm phán với với Công ty Quốc tế Vân Nam - Trung Quốc (YNIC) để tăng sản lượng, công suất mua trên các đường dây 220 kV hiện hữu và bổ sung mua điện thông qua đường dây 110 kV.

Đối với nguồn điện từ Lào, ông Lâm cho biết, EVN đang chờ phía Lào hoàn thiện đường dây để đấu nối nhập khẩu điện về Việt Nam qua hệ thống đường dây đi qua H.Tương Dương (Nghệ An) đã thi công xong, để có thể nâng công suất nhập khẩu ngay trong năm nay.

Trong văn bản gửi Bộ Công thương, EVN đề xuất lãnh đạo Bộ Công thương chủ trì tổ chức cuộc họp giữa EVN, PVN, TKV, TCT Đông Bắc và đơn vị phát điện liên quan để bàn giải pháp khẩn cấp hỗ trợ EVN tháo gỡ khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng điện trong những tháng tới.

Có thể bạn quan tâm