Bất chấp mọi chỉ đạo, thủy điện Plei Kần ở Kon Tum vẫn ngang nhiên tích nước và vận hành máy để chuyên gia Trung Quốc kiểm tra. Trong khi đó, nông sản của dân đến mùa vụ nhưng không thể thu hoạch được, đành nhìn hư thối vì đường bị ngập... Xót của, nước mắt người dân lại tuôn rơi.
Nông dân khóc ròng vì thủy điện Plei Kần tích nước vô lối, để chuyện gia Trung Quốc kiểm tra nghiệm thu. |
Tỉnh chỉ đạo chưa ráo mực, thủy điện lại tích nước
Ngày 19/11, UBND tỉnh Kon Tum ra văn bản số 4332/UBND-HTKT chỉ đạo gửi Sở Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây Dựng, Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND 2 huyện Ngọc Hồi, Đắk Tô yêu cầu "đánh giá toàn diện việc đầu tư dự án thủy điện Plei Kần".
Văn bản nhấn mạnh, mặc dù thời gian qua UBND tỉnh và các ngành, địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo vụ việc thủy điện tự ý tích nước nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân và tạo dư luận không tốt cho xã hội.
Chính vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị nêu trên tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 4154/UBND-HTKT ngày 4/11. Trong đó có 2 nội dung quan trọng là yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Xây dựng xem xét xử phạt chủ đầu tư Công ty CP Tấn Phát. Yêu cầu dừng tích nước thủy điện.
Thủy điện Plei Kần phớt lờ các yêu cầu của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, vẫn ngang nhiên tích nước vô lối. Ngày 19/11, thủy điện này vẫn tích nước và vận hành máy để chuyên gia Trung Quốc nghiệm thu, bàn giao kỹ thuật. |
Đồng thời, giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Ngọc Hồi, Đắk Tô và các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát đánh giá toàn diện quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư dự án thủy điện Plei Kần. Trong đó, có nhiều nội dung như: Sự phù hợp với các quy hoạch được phê duyệt, cao trình mực nước cho phép; các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng, đánh giá tác động môi trường, quy trình vận hành hồ chứa…
Nếu phát hiện có sai phạm, các đơn vị chủ động phối hợp xử lý theo đúng thẩm quyền. Trường hợp vượt quá thẩm quyền, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý. Hoàn thành báo cáo tỉnh trước ngày 5/12/2020.
Ngày 19/11, hai tua bin của nhà máy thủy điện Plei Kần vẫn hoạt động phát điện, cửa xả đóng, nước ngập lòng hồ. |
Thủy điện tích nước vô lối ở tỉnh Kon Tum: Bão số 9 sầm sập, vẫn ngoan cố tích nước trái phép
Thế nhưng, văn bản của UBND tỉnh chỉ đạo chưa ráo mực thì cũng trong ngày 19/11, PV Dân Việt phát hiện nhà máy thủy điện Plei Kần vẫn ngang nhiên tích nước và vận hành máy.
Theo đó, việc tích nước, vận hành máy này là để cho chuyên gia người Trung Quốc nghiệm thu, bàn giao kỹ thuật (máy phát điện mua của Trung Quốc – PV).
Tính ra, đến nay có gần cả chục văn bản các ngành, địa phương yêu cầu chỉ đạo dừng tích nước nhưng Công ty Tấn Phát vẫn phớt lờ và bất chấp an nguy của người dân. Điều này không tránh khỏi dư luận đặt nghi vấn chính quyền bất lực hay vì một nguyên do nào khác khiến doanh nghiệp lộng hành, làm càn?
Gần 2 tháng nay, từ cấp xã, huyện lên tỉnh và cấp Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đều có văn bản yêu cầu dừng tích nước nhưng nhà máy thủy điện Plei Kần của Công ty Tấn Phát vẫn phớt lờ.
Thậm chí, ngay trong lúc bão số 5, 6, 9 gây mưa lớn đầy nguy cơ rủi ro nhưng thủy điện này vẫn tích nước, bất chấp an nguy và tài sản của dân bị thiệt hại. Hậu quả, khiến gần 100 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Phạm Trung Thê khóc ròng vì cao su cạo mủ xong bỏ thối thành đống vì không thể vận chuyển ra ngoài. |
Ông Trần Hùng Tuấn (nhà có 5 ha đất rẫy ở thôn Đắk Dế, xã Đắk Rơ Nga, huyện Đắk Tô) bức xúc nói: "Văn bản chỉ đạo giải quyết cho dân có nhiều rồi nhưng công ty không chấp hành. Trong đó, thời gian ngành chức năng yêu cầu ngày 15/11 giải quyết xong đường đi và đền bù cho dân nhưng đến giờ vẫn không thấy đâu. Gia đình tôi và nhiều hộ khác chưa thấy người của công ty đến kiểm tra thiệt hại đền bù thỏa đáng. Ao cá của tôi bị trôi sạch, cây trồng bị chết…, ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng".
Theo ông Tuấn, gần 2 tháng nay con đường vào khu sản xuất hơn 300 ha vẫn ngập, chứng tỏ ngày nào nhà máy thủy điện này cũng tích nước. Hậu quả là người dân gánh chịu. Người dân không hiểu cớ vì sao, ngành chức năng và tỉnh đã có chỉ đạo ngừng rồi mà thủy điện vẫn ngang nhiên tích nước? Giờ dân đã khổ lắm rồi, chỉ cầu mong các Bộ ngành Trung ương, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, chứ tỉnh Kon Tum yêu cầu hoài nhưng doanh nghiệp đâu có chấp hành.
Chung tình cảnh, ông Phạm Trung Thê (thôn Đắk Rế, xã Đắk Rơ) cũng nhiều lần lên tiếng kêu cứu nhưng sự việc chưa được giải quyết. Nhìn nông sản làm ra phải bỏ cho hư thối, khiến ông nước mắt lưng tròng vì xót của.
"Đường ngập, chúng tôi cố gắng mới liều mình đi bè tre qua được, còn nông sản… thì không cách nào vận chuyển được. Gần 2 tháng nay, mọi hoạt động thu hái, đưa nông sản ra ngoài bị cô lập hoàn toàn. Mủ cao su nhà tôi cạo gần cả chục tấn, xong để đống cho hư thối, còn cà phê chín đỏ cành cũng không hái được. Người dân làm nông chúng tôi chỉ trông chờ có mỗi lúc thu hoạch là có thu nhập, nay vứt bỏ như thế thì làm sao sống nổi. Cuối năm lấy gì mà ăn, trong khi tiền lãi vay vẫn phải đóng" - ông Thê nói.
Theo ông Thê, bây giờ thiệt hại trước mắt đã đành, năm sau hay năm sau nữa nó vẫn còn bị ảnh hưởng. Bởi cả mấy tháng nay đường bị cô lập thì làm sao chở phân bón vào đây bón cho cây được. Nhiều hộ khác khốn khó hơn phải đi vay, chạy ăn từng bữa. Thậm chí giờ gọi công lao động vào đây thu hái cũng không ai dám đi. Đâu có ai dại vì ngày công mà mạo hiểm đi bè qua vùng ngập làm thuê đâu.
Bức xúc trước tình trạng "coi trời bằng vung" của Công ty Tấn Phát, anh Trần Trung Thảo (tổ dân phố 2, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) bày tỏ: "Tôi có hơn 20 ha cao su và cà phê, do đường ngập nước nên cao su không thu, cà phê cũng không hái được, nhìn cà phê chín rụng mà ruột nôn nao. Nếu để tầm 10 ngày nữa mà không thu hái kịp thì nông dân cầm chắc thiệt hại. Tôi mong tỉnh sớm chỉ đạo công ty dừng ngay việc tích nước, làm cầu đường cho dân đi và đền bù thiệt hại do tích nước gây ra cho bà con chúng tôi".
Theo Lê Kiến (Dân Việt)