TN - Đất & Người

Thủy điện tích nước vô lối ở tỉnh Kon Tum: Thu hồi giấy phép nếu không bồi thường cho nông dân và tiếp tục sai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sở Công thương tỉnh Kon Tum có văn bản yêu cầu Công ty Tấn Phát dừng ngay việc tích nước và kiểm kê bồi thường thiệt hại cây trồng, tài sản cho nông dân do nhà máy thủy điện Plei Kần tích nước trái phép ngập lụt. Việc kiểm kê bồi thường thiệt hại hoa màu cho nông dân phải hoàn thành trước ngày 15/11.
Văn bản của Sở Công thương tỉnh Kon Tum nêu rõ, nếu Công ty Tấn Phát-đơn vị chủ sở hữu nhà máy thủy điện Plei Kần tiếp tục vi phạm sẽ đề nghị Tổng Công ty Điện lực miền Trung không huy động công suất nhà máy, nặng hơn là đề nghị Bộ Công thương thu hồi giấy phép hoạt động.
Ngày 27/10, Sở Công thương tỉnh Kon Tum đã có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Tấn Phát (Công ty Tấn Phát) "khẩn trương xử lý các tồn tại, phát sinh liên quan công trình thủy điện Plei Kần tự ý tích nước", thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) và ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Hữu Tháp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum.
Theo đó, Sở Công thương yêu cầu Công ty Tấn Phát nghiêm túc, khẩn trương thực hiện dừng ngày việc tích nước trái phép, đưa mực nước hồ chứa về mực nước lòng sông tự nhiên, chỉ được tích nước khi được cấp thẩm quyền cho phép.
 
Nhiều nông dân các huyện Ngọc Hồi, Đắk Tô của tỉnh Kon Tum vẫn chưa thể qua khu sản xuất hơn 350 ha do con đường đã bị nhà máy thủy điện Plei Kần tích nước trái phép gây ngập lụt, hư hỏng đường...
Nhiều nông dân các huyện Ngọc Hồi, Đắk Tô của tỉnh Kon Tum vẫn chưa thể qua khu sản xuất hơn 350 ha do con đường đã bị nhà máy thủy điện Plei Kần tích nước trái phép gây ngập lụt, hư hỏng đường...
Đồng thời, Công ty Tấn Phát phải phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức kiểm kê, rà soát tài sản toàn bộ khối lượng hoa màu, cây trồng của nông dân bị thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân. Việc này phải hoàn thành trong tháng 11 năm 2020. Công ty Tấn Phát không để xảy ra tồn tại, phát sinh gây bức xúc cho người dân trong vùng dự án dẫn đến kiến nghị nhiều lần, vượt cấp (đây là cơ sở để Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh Kon Tum xét cho phép tích nước).
Công ty Tấn Phát phải khắc phục ngay đường đi, cầu… vào khu sản xuất của nông dân để thuận lợi việc lưu thông đi lại, vận chuyển nông sản của người dân, đảm bảo an toàn, hoàn thành trước ngày 15/11.
Bên cạnh đó, văn bản của Sở Công thương tỉnh Kon Tum yêu cầu Công ty Tấn Phát phải sớm phối hợp với UBND huyện Đắk Tô, huyện Ngọc Hồi và các đơn vị liên quan kiểm tra lại cao trình thực hiện bồi thường thủy điện Plei Kần, đảm bảo khi có mưa lũ ở tần suất cao không ảnh hưởng đén tài sản, hoa màu của nhân dân. Doanh nghiệp này phải trình cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ (nếu có) theo quy định pháp luật, đảm bảo phù hợp thực tế.
 
Nông dân một số xã, thị trấn của 2 huyện Ngọc Hồi, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum lo lắng cà phê rụng thối đã vào mùa thu hoạch nhưng không có đường vào khu sản xuất.
Nông dân một số xã, thị trấn của 2 huyện Ngọc Hồi, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum lo lắng cà phê rụng thối đã vào mùa thu hoạch nhưng không có đường vào khu sản xuất.
Sở Công thương tỉnh Kon Tum nhấn mạnh, nếu Công ty Tấn phát tiếp tục tích nước trái quy định, không hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ các hộ nông bị ảnh hưởng, bị thiệt hại do nhà máy thủy điện Plei Kần tích nước trái phép gây ra, thực hiện các công việc trái quy định thì Sở Công thương sẽ đề nghị Tổng Công ty điện lực miền Trung không huy động công suất nhà máy. Đồng thời, sở này báo cáo UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Công thương thu hồi giấy phép hoạt động điện lực theo quy định pháp luật.
Theo Lê Kiến (Dân Việt)
https://danviet.vn/thuy-dien-tich-nuoc-vo-loi-o-tinh-kon-tum-thu-hoi-giay-phep-neu-khong-boi-thuong-cho-nong-dan-va-tiep-tuc-sai-20201027173313764.htm

Có thể bạn quan tâm