Kinh tế

Tài chính

Tích cực, hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nông nghiệp nông thôn (NNNT) được xác định là một trong những lĩnh vực trọng tâm mà ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn, nhiều chính sách của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được triển khai nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này, làm đòn bẩy thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững…

Khơi dòng vốn vào nông nghiệp nông thôn

Trong tổng dư nợ 61.650 tỷ đồng (ước thực hiện trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 9-2016), cho vay phát triển NNNT chiếm gần 50%. Có thể thấy, trong những năm gần đây, tín dụng đầu tư cho NNNT được các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai khá mạnh mẽ, với mức tăng trưởng lớn. Cơ cấu tín dụng vào lĩnh vực NNNT được chuyển dịch từ khi thực hiện các chính sách ưu tiên vào lĩnh này, trọng tâm là chính sách tín dụng NNNT theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ (thay thế Nghị định 41 trước đây), chương trình cho vay tái canh cà phê, cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay theo chuỗi liên kết tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, cho vay nhóm lĩnh vực ngành kinh tế ưu tiên, trong đó có NNNT…

 
 Nhiều ngân hàng đang dành nguồn vốn cho vay hộ nông dân. Ảnh: Thảo Nguyên
Nhiều ngân hàng đang dành nguồn vốn cho vay hộ nông dân.

Lĩnh vực này luôn chiếm ưu thế khi mà thời gian qua hầu hết các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực bơm vốn, góp phần làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Chi nhánh Agribank, BIDV, Vietinbank, Sacombank, Á Châu, SHB là những ngân hàng có tỷ trọng tín dụng NNNT lớn, trong số đó Agribank là chi nhánh có dư nợ cho vay NNNT lớn nhất với khoảng 12.000 tỷ đồng. Theo ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Chi nhánh Agribank Gia Lai, trong cơ cấu tín dụng của Chi nhánh, NNNT chiếm đến 97%. Hiện chi nhánh đang thực hiện cho vay nhiều chương trình khác nhau và sẽ tiếp tục ưu tiên dành nguồn vốn cho vay hộ nông dân và cá nhân khu vực nông thôn, ưu tiên vốn cho vay theo mô hình liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, cho vay tái canh cà phê, cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai, nhờ có vốn, nông dân cũng như doanh nghiệp đã đầu tư phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa các loại cây trồng chủ lực như: cà phê, cao su, hồ tiêu, mía, mì… góp phần hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ đã chuyển đổi mạnh sang hình thức trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường.

Cho vay hướng đến nền nông nghiệp bền vững

Để kinh tế nông nghiệp phát triển ổn định, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 369/QĐ-UBND về thực hiện chương trình hành động tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mục tiêu của chương trình là đến năm 2020, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 37,25% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp bình quân đạt 5,57%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành đạt 35.750 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 630 triệu USD với các mặt hàng chủ yếu là cà phê, cao su, hồ tiêu.

Việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn được chú trọng theo hướng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ và đa dạng hóa ngành nghề, khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai và lợi thế của từng vùng. Việc đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu dồi dào sẽ phục vụ tốt cho các cơ sở chế biến các sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, gia tăng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.

Về định hướng dòng vốn tín dụng trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh Gia Lai cho biết: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện những chính sách tín dụng hướng đến NNNT cùng với việc bám sát đề án cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Bên cạnh cho vay có trọng tâm phát triển sản xuất các loại cây trồng chủ lực, ngành Ngân hàng đã làm việc với các địa phương như TP. Pleiku, thị xã An Khê để triển khai hướng đến cho vay bao tiêu sản phẩm nông nghiệp để tạo ra chuỗi giá trị từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ; cho vay chương trình tưới nước tiết kiệm; đầu tư cho các cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp; tháo gỡ khó khăn trong cho vay chương trình tái canh cà phê; cho vay đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt. Mục tiêu là vậy, còn giải pháp thực hiện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản cho vay NNNT; đồng thời, rà soát để đơn giản hóa các thủ tục cho vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng đối với lĩnh vực này…

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm