Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Tích cực xây dựng tình đoàn kết hữu nghị tốt đẹp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 7-1-1979, sau hơn 4 năm bị bức hại, tra tấn, nhân dân Campuchia đã được sống trong hòa bình. Bóng ma Pol Pot đã không còn hiện diện trong tâm trí người dân đất nước Chùa tháp. Đó cũng là ngày người dân Campuchia tri ân công lao, xương máu của các chuyên gia, chiến sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế, góp phần xóa bỏ một trong những chế độ hung bạo nhất thế kỷ XX trên đất nước mình, giúp đất nước hồi sinh và phát triển.
Hồi sinh trước họa diệt chủng
Cho đến giờ, sau 40 năm chế độ diệt chủng cáo chung, có dịp sang Campuchia, chúng tôi cũng không sao thoát được cảm giác bất an bởi bóng ma Pol Pot. Các nhà khoa học, chuyên gia cũng không thể hiểu vì sao chế độ này lại đi tận diệt chính dân tộc mình bằng những hình thức man rợ còn hơn cả thời trung cổ. Tính ra, trong hơn 4 năm cầm quyền, chế độ Khmer Đỏ đã giết chết khoảng 1,7 triệu người Campuchia bằng cách hành hình man rợ với những dụng cụ thô sơ như cuốc, mai, xẻng... hay bỏ đói, cưỡng bức lao động cho đến chết. Nếu tính tỷ lệ người bị giết và dân số thì đây là chế độ giết người nhiều nhất trong thế kỷ XX. Cánh đồng chết Choeung Ek, Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng... ngày nay tiếp tục là lời tố cáo đanh thép về tội ác của bọn diệt chủng.
Không chỉ gây ra đau thương cho dân tộc mình, Khmer Đỏ còn gây hấn, xua quân tấn công nước láng giềng Việt Nam, tàn hại nhiều người dân vô tội. Lịch sử Đảng bộ Gia Lai giai đoạn 1945-2005 ghi lại: “Tháng 4-1977, nhiều sư đoàn Pol Pot mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Khu vực biên giới Gia Lai-Kon Tum với Ratanakiri (Campuchia) từ tháng 6 cũng rất căng thẳng”. Pol Pot đã hàng trăm lần đưa quân xâm nhập địa bàn biên giới Gia Lai-Kon Tum, bao vây và tấn công một số đồn biên phòng, cứ điểm của ta. Tuy nhiên, trước sự cảnh giác cao độ cùng quyết tâm đánh tan kẻ thù xâm lược, hành động của Khmer Đỏ đều bị chặn đứng và thất bại.
Lễ truy điệu và an táng 21 hài cốt liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ sáng 22-5-2018. Ảnh: Đức Thụy
Thể hiện trách nhiệm láng giềng, hữu nghị, “sau giải phóng Ratanakiri, Gia Lai-Kon Tum đã viện trợ khẩn cấp 300 tấn gạo cứu đói, 321.737 kg thóc giống; 31,3 ngàn kg bắp giống; 2.000 kg đậu phộng giống; 1.000 kg đậu giống các loại; 10 tấn nông cụ cầm tay kịp thời phục vụ nhân dân nước bạn khôi phục sản xuất vụ mùa năm 1979. Năm 1980, tỉnh viện trợ thêm 100 giường nằm, 25 tủ tài liệu, 25 bộ bàn ghế làm việc... giúp khôi phục máy điện 75kVA, vận chuyển vật tư, phụ kiện và cử cán bộ, công nhân sang lắp đường dây cáp điện tạm thời tại trung tâm thị xã Ban Lung” (Lịch sử Đảng bộ Gia Lai giai đoạn 1945-2005). Tỉnh cũng cử nhiều đoàn cán bộ, chuyên gia về dân vận, y tế, bưu chính, giáo dục, lái xe, thú y... sang giúp bạn.
Sự giúp đỡ chí tình đó cộng với nỗ lực của Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia và nhân dân đất nước Chùa tháp đã nhanh chóng giúp khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội mới, xóa đi hình ảnh đau thương đen tối thuở nào. 40 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hình ảnh của một đất nước vốn chỉ có hoang tàn, tù ngục và chết chóc đã thay đổi căn bản về hạ tầng, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp; vùng thành thị, nông thôn đều vươn mình chuyển động phát triển; các cửa khẩu hoạt động sầm uất.
Thắm tình đoàn kết hữu nghị 
Gia Lai có hơn 90 km đường biên giới giáp với tỉnh Ratanakiri. Từ lâu, chính quyền và nhân dân 2 địa phương đều tích cực xây dựng mối quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp. Nhân dân khu vực biên giới được tạo điều kiện đi lại thăm thân dưới sự tổ chức, quản lý bảo vệ theo quy định của pháp luật, ngành chức năng. Lãnh đạo 2 tỉnh thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thực hiện chương trình, nội dung ký kết hợp tác phát triển giữa 2 tỉnh, 2 chính phủ. Nhiều dự án thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Việt Nam-Campuchia, giữa Gia Lai và tỉnh bạn được triển khai tích cực, mang lại kết quả nhất định. 
Đoàn công tác của tỉnh Gia Lai chụp ảnh lưu niệm trước 1 căn hầm còn sót lại từ thời chiến tranh trong khuôn viên đền Preah Vihear (Vương quốc Campuchia) trong chuyến thăm, chúc Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay. Ảnh: Trần Dung
Đặc biệt, liên tục trong những năm qua, chính quyền các tỉnh biên giới Đông Bắc Campuchia như Ratanakiri, Stung Treng, Preah Vihear... luôn tạo điều kiện thuận lợi để Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) tìm kiếm, cất bốc, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân Tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường Campuchia nhằm đáp ứng nguyện vọng và mong ước của gia đình, thân nhân. Trong mùa khô 2017-2018, Đội K52 đóng quân tại 3 tỉnh Đông Bắc Campuchia đã tìm kiếm, cất bốc và quy tập được 21 bộ hài cốt liệt sĩ Quân Tình nguyện và chuyên gia Việt Nam.
Kể từ năm 2001, chính quyền các tỉnh biên giới Campuchia đã tích cực giúp đỡ Việt Nam, Gia Lai trong việc ngăn chặn tình trạng móc nối, lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin vượt biên và trả về Việt Nam. Phía bạn cũng tích cực phối hợp với Việt Nam và Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) giải quyết vấn đề này một cách tích cực, hiệu quả.
Chính quyền các tỉnh lân cận của Campuchia cũng đã phối hợp chặt chẽ với 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đẩy nhanh thực hiện tiến độ phân giới cắm mốc theo thỏa thuận của chính phủ 2 nước. Nhiệm vụ này còn được tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa trong thời gian tới để biên giới Việt Nam-Campuchia nói chung, biên giới khu vực Gia Lai-Kon Tum với các tỉnh bạn Campuchia thực sự trở thành biên giới hòa bình, hữu nghị.
Giữ mối quan hệ láng giềng gần gũi, các dịp lễ trọng, Tết cổ truyền của mỗi nước, lãnh đạo 2 địa phương đều cử đoàn đến thăm, chúc mừng. Trong năm 2018, đoàn công tác tỉnh Gia Lai do Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc mừng lãnh đạo, chính quyền và nhân dân tỉnh Ratanakiri nhân Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, khẳng định Gia Lai và Ratanakiri là 2 tỉnh có mối quan hệ gắn bó sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Cũng trong chuyến thăm này, Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị phía bạn tiếp tục giúp đỡ Đội K52 trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ để sớm đưa các anh về với đất mẹ Việt Nam.
40 năm thoát nạn diệt chủng, Campuchia hiện nay đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đó là nhờ chính sách đúng đắn của người đứng đầu đất nước và nỗ lực của người dân. Ông Muông Poi-Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Ratanakiri-trong chuyến hội đàm với lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã ghi nhận và trân trọng cảm ơn tình cảm, sự giúp đỡ quý báu của Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng và tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mối quan hệ giữa 2 tỉnh, 2 nước sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
 THẤT SƠN-TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm