Cầu treo Phú Hòa (thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah, Gia Lai) sau khi hoàn thành thi công đưa vào sử dụng vào năm 2008, nhưng đến nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngày 9-4, làm việc với chúng tôi, ông Đặng Thành Nguyên-Trưởng ban Quản lý thực hiện các dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Chư Pah lại khẳng định: Tháng trước, người dân vẫn đi lại bình thường trên cây cầu này…
Đầu tư nhiều, hiệu quả ở đâu?
Đầu tư nhiều, hiệu quả ở đâu?
Theo ghi nhận của chúng tôi, cả cây cầu dài 52 mét nhưng chẳng thấy chỗ nào lành lặn. Dầm, ván mặt cầu bằng gỗ mục nát. Trầm trọng nhất là đoạn giữa, một mảng thủng to tướng, dầm dọc không có, cả ván mặt cầu cũng không. Dùng tay rút thử mấy cây đinh nhổm trên thân dầm, có cảm giác còn dễ hơn... nhổ cỏ.
Cố bám vào lan-can, men theo tấm ván được ai đó lót để đi tạm, hơn 20 phút sau chúng tôi mới có mặt ở bên kia cây cầu. Người dân thường gọi khu vực này là khu công viên Phú Hòa vì tại đây quy hoạch công viên giải trí rộng chừng 8 ha. Huyện Chư Pah đang kêu gọi đầu tư, có người đến xem nhưng chưa thấy ai trả lời. Có lẽ nhà đầu tư không thấy sinh lợi gì trên mảnh đất này.
Mặt cầu bị bung tróc loang lổ. Ảnh: Ngọc Linh |
Cháu Vi Thị Tuyển (học tại Trường THCS thị trấn Phú Hòa) thành viên của 1 hộ dân duy nhất sống ở khu vực này, hàng ngày vẫn liều mình đi trên cầu treo Phú Hòa để đến trường. Tấm ván lót tạm trên cầu mà chúng tôi đi qua do bố mẹ cháu làm. Hỏi cháu có sợ không, cháu bảo có nhưng đi hoài nên quen. Bố cháu cho biết: “Gia đình sống ở đây đã được 3 năm. Chúng tôi chứng kiến cây cầu bắt đầu thi công, bàn giao và thời điểm hư hỏng và nay thì chẳng ai dám đi lại nữa”. Hiện tại, bố mẹ cháu Tuyển vẫn phải đi lại trên con đường trước khi có cầu treo Phú Hòa.
Theo chỉ dẫn của bố mẹ cháu Tuyển, con đường trước đây và hiện tại (trong thời gian đợi cầu sửa chữa) người dân và công nhân Công ty Cao su Chư Pah vẫn thường đi lại. Hơi xa so với đi trên cầu, mặc dù có đôi chỗ khó đi nhưng nhìn chung xe lớn vẫn đi được, có thể vận chuyển hàng hóa, phân bón…
Hành vi lấp liếm?
Tìm hiểu được biết, trước đó, Ban Quản lý thực hiện các dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Chư Pah đã tham mưu sửa chữa cây cầu với kinh phí 450 triệu đồng, trích từ ngân sách của huyện, ghi vốn năm 2010. Chúng tôi phát hiện đội thợ đang sửa chữa cầu chính là người của đơn vị đã từng thi công cây cầu này trước đây(!).
Ông Đặng Thành Nguyên-Trưởng ban Quản lý thực hiện các dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Chư Pah, cho biết: “Vì vốn đầu tư được duyệt quá ít, chúng tôi tính làm dầm dọc và mặt cầu bằng sắt nhưng do quá “nặng” tiền nên chỉ được duyệt làm bằng gỗ. Biết là gỗ phơi mưa, nắng làm sao chịu nổi, nhưng mấy ổng không chịu(?). Tôi nhận được tin cầu hỏng vào giữa năm 2009. Cầu hỏng không đổ cho ai được hết, nếu làm bằng sắt sẽ chẳng vấn đề gì. Kinh phí không có nên phải chấp nhận thôi!”. Ông Nguyên cũng cho biết thêm, công trình này không thể đầu tư nhiều (cầu bản) vì không hiệu quả do bên khu công viên không có dân cư.
Cây cầu sẽ nhanh hỏng do làm bằng gỗ kém chất lượng. Đó là điều ai cũng thấy, cũng biết, thế nhưng chẳng hiểu sao tiền tỉ vẫn được đổ vào đấy?!
Ngọc Linh
Ông Đặng Thanh Nguyên: Công trình cầu treo Phú Hòa được đầu tư tháng 9-2006, hoàn thành 20-1-2007. Tổng kinh phí 1,987 tỉ đồng, trong đó riêng phần cầu khoảng 1,192 tỉ đồng. Dầm dọc, ván mặt cầu theo thiết kế đều là gỗ nhóm 4. Tuổi thọ cầu treo Phú Hòa trên 30 năm. Công ty Cao su Chư Pah hỗ trợ cho công trình này 500 triệu đồng. Đến nay, công trình vẫn chưa được quyết toán. Thanh tra nhà nước đã vào cuộc nhưng không có vấn đề gì. |