Chính trị

Tin tức

Tiếp dân hời hợt, qua loa càng gây thêm bức xúc cho người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều cơ quan đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu chưa coi trọng việc tiếp dân, đối thoại với dân trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nhiều nơi chưa coi trọng việc tiếp dân, đối thoại với dân
Tâm lý chung của những người đi khiếu nại, tố cáo là rất mong được gặp trực tiếp người có thẩm quyền giải quyết, đặc biệt là người có có thẩm quyền cao nhất trong cơ quan Nhà nước để có cơ hội trình bày đối thoại về những băn khoăn, vướng mắc của mình với mong muốn sự việc được giải quyết nhanh chóng. Tuy vậy, nhiều cơ quan đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu vẫn chưa coi trọng việc tiếp dân, đối thoại với dân trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Hầu hết những vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài đều có một phần nguyên nhân từ việc tiếp công dân, tổ chức đối thoại ở cơ sở chưa được thực hiện đến nơi đến chốn, sau đó mới là một số nguyên nhân khác như chính sách pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo chưa nghiêm, chưa kịp thời.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận định: “Cái chính là chưa giải quyết triệt để ngay từ cơ sở nên để kéo dài. Ở huyện không giải quyết được thì sẽ lên tỉnh, lên tỉnh không được thì nhiều đoàn sẽ lên Trung ương. Vấn đề này cần phải làm rõ trách nhiệm của địa phương và cơ quan chức năng các cấp”.
Đối thoại được xem là giải pháp hữu hiệu để giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở. Khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, tổ chức đối thoại với người khiếu nại thì sẽ tìm được tiếng nói chung, giúp việc giải quyết khiếu nại một cách hiệu quả, nhanh chóng, tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo nhiều nơi, vượt cấp. Tuy nhiên, việc tiếp dân, đối thoại với dân chưa được các cơ quan nhà nước coi trọng.
Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, công tác tiếp công dân của các cơ quan hành chính nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể hóa được tình hình, thực hiện theo quy định việc tiếp công dân định kỳ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, ngành địa phương. Chưa đánh giá sâu sắc về chất lượng hiệu quả của hoạt động tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời vẫn còn tình trạng ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân định kỳ. Đây cũng là nguyên nhân người dân thiếu tin tưởng vào kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo.
“Anh làm gì thì làm nhưng theo Luật tiếp công dân là phải dành thời gian tiếp công dân, kể cả cuộc họp, tiếp nhà đầu tư cũng phải để buổi khác. Người dân cần gặp chủ tịch vì chủ tịch mới là người ra đường lối giải quyết, trả lời cho người dân những vấn đề bức xúc” – ông Bùi Văn Xuyền cho biết.
Trách nhiệm người đứng đầu việc tiếp công dân
Những vụ việc khiếu kiện đông người về đất đai cơ bản đều liên quan đến cá nhân, tổ chức có thẩm quyền chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong tiếp dân, đối thoại với dân.
Qua giám sát, các đại biểu Quốc hội cho biết, tính cam kết của người đứng đầu các cơ quan địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở trong công tác tiếp công dân còn thiếu và yếu. Mặc dù quy định của pháp luật về tiếp công dân khá đầy đủ nhưng việc triển khai thực hiện không đúng pháp luật. Đơn cử ở nhiều nơi, theo Luật tiếp công dân, Chủ tịch tỉnh tiếp công dân 1 lần/tháng, nhưng trung bình một năm chỉ 3 lần, các lần khác ủy quyền cho cấp phó, cấp phó lại tiếp tục ủy quyền cho cán bộ cấp dưới.
Tại Đồng Tháp, có tình trạng trong 5 năm, một số cán bộ Sở ngành chưa tiếp công dân một buổi nào, vì thế việc theo dõi kiến nghị, bức xúc của người dân rất khó khăn. Người dân vì không được tiếp, không được đối thoại nên bức xúc bị đẩy lên cao.
 Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) cho rằng, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân cần được ràng buộc chặt chẽ, trong đó tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp dân phải song song với đối thoại với dân.
“Cần xử lý thật nghiêm đối với người đứng đầu và các cơ quan cũng như cán bộ vi phạm các quy định về tiếp công dân về khiếu nại tố cáo. Chúng ta nói trách nhiệm người đứng đầu nhưng hiện nay phải xử lý thế nào. Ví dụ người đứng đầu trong bao nhiêu lần tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo mà để một chuyện khiếu nại, tố cáo kéo dài, đến tận các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước xử lý mà sau đó xác định đó là vấn đề sai thì lập tức có thể chuyển đồng chí đó ra chỗ khác. Còn nếu cứ quy định chung chung thì sẽ không giải quyết được” – ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của cấp có thẩm quyền đôi khi lại dựa vào báo cáo sai thực tế của cấp dưới, mà báo cáo đó đôi khi lại chính  là kết quả của sự làm ẩu của quá trình tiếp dân một cách hời hợt, qua loa cho xong. Cách làm đó vô hình chung tiếp tục gây thêm bức xúc cho người dân và làm phát sinh thêm khiếu kiện khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt đề nghị cần nâng cao chất lượng đội ngũ tiếp công dân, đối thoại với dân. Theo ông, lựa chọn cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải có kiến thức, vì nếu không có kiến thức thì nhiều khi vụ việc đơn giản lại thành ra phức tạp, đùn đẩy và đổ lỗi. Bên cạnh đó, trách nhiệm của những cán bộ này cần phải chấn chỉnh, cần phải có đạo đức nghề nghiệp tốt hơn, văn hóa tốt hơn.
Cùng với trách nhiệm của cơ quan, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc tiếp dân, đối thoại với dân, theo đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định), trách nhiệm người đại biểu dân cử cũng cần tăng cường trong việc tiếp dân, lắng nghe ý kiến của dân, giữ mối liên hệ chặt chẽ với dân trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bà Nguyễn Thanh Hải-Trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) nêu thực tế có nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo kéo dài xuất phát từ việc người dân không am hiểu chính sách, pháp luật, đi khiếu nại, tố cáo nhiều nơi. Chỉ đến khi người đứng đầu các cơ quan đối thoại, giải thích cặn kẽ thấu tình đạt lý thì họ mới thỏa mãn, không còn khiếu nại, tố cáo.
“Nếu việc tiếp công dân, đối thoại tốt thì sẽ không bao giờ dẫn đến những điểm nóng hay những sự việc đáng tiếc. Vì vậy cần quan tâm tới việc tiếp công dân, đối thoại với dân theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường thanh tra, xử lý trách nhiệm công vụ trong trường hợp không thực hiện đúng theo Luật tiếp công dân, đặc biệt là cấp cơ sở”-bà Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho rằng, nơi nào người đứng đầu đứng ra đối thoại, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo ngay từ đầu thì sẽ không xảy ra điểm nóng về khiếu nại, tố cáo. Và khi xảy ra điểm nóng rồi thì người đứng đầu các cấp trực tiếp giải quyết thì sự việc sẽ khác. Ở đây có trách nhiệm rất lớn của chính quyền địa phương nếu không giải quyết vấn đề từ khi mới manh nha mà để quá đi thì sẽ rất khó khăn.
Đối thoại có ý nghĩa quan trọng, góp phần giải quyết những bức xúc, tâm tư của người dân từ cơ sở, khắc phục tình trạng khiếu nại vượt cấp kéo dài. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Chỉ thị, chỉ đạo, trong đó đều nhấn mạnh lãnh đạo các cấp chủ động đối thoại công dân để giải quyết triệt để khiếu kiện, bức xúc của công dân, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Vì vậy nâng cao chất lượng tiếp công dân, đối thoại với dân cần được xem là trách nhiệm của cấp cơ sở, cùng với đó là tăng cường thanh tra, xử lý trách nhiệm công vụ để công tác này được lưu tâm đúng mức.
PV (VOV1)

Có thể bạn quan tâm