(GLO)- Phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã tập trung kiện toàn, củng cố, không ngừng nâng cao năng lực nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết đề ra, xây dựng Gia Lai ngày càng giàu mạnh.
Những kết quả đáng tự hào
Hòa chung với công cuộc đổi mới đất nước, mỗi mùa xuân mới đến, quê hương Gia Lai ngày càng “thay da đổi thịt”, đánh dấu sự phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội. Thành quả này in đậm dấu ấn trưởng thành và phát triển không ngừng của Đảng bộ tỉnh. Gần nhất là các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra đã cơ bản hoàn thành. Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh hàng năm đạt 7,79%, cao hơn so với mức bình quân cả nước. Dự kiến đến năm 2020, GRDP của tỉnh đạt 81.656 tỷ đồng, gấp 1,66 lần so với năm 2015. Từ năm 2016 đến nay, làn sóng kêu gọi đầu tư diễn ra mạnh mẽ, thu hút gần 400 dự án với tổng vốn đầu tư gần 650 ngàn tỷ đồng, góp phần đánh thức tiềm năng, thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Trong nhiệm kỳ, dấu ấn đậm nét là công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Dự ước đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 81 xã đạt chuẩn NTM, tăng 11 xã so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 5 đơn vị đạt chuẩn NTM cấp huyện (Pleiku, An Khê, Ayun Pa, Đak Pơ và Kbang) và 83 thôn, làng đạt chuẩn NTM theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, cuối năm 2019, Pleiku là thành phố đầu tiên ở Tây Nguyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Và mới đây, với nhiều thành tựu nổi bật khác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, ngày 22-1-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định công nhận TP. Pleiku là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Thành phố Pleiku đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Ảnh: PHAN NGUYÊN |
Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh chú trọng giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Bình quân những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 3%/năm. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 19,71% thì đến cuối năm 2019 chỉ còn 7,04%; phấn đấu đến hết năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 5%. Đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh không ngừng được cải thiện và nâng cao, hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 49,8 triệu đồng, tăng hơn 1,3 lần so với năm 2015.
Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Nguyễn Ngọc Liên (tổ 7, phường Hội Thương, TP. Pleiku)-nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Chư Prông-nhìn nhận: Hoạt động của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ này có nhiều đổi mới. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh luôn sâu sát cơ sở, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn để chỉ đạo trực tiếp công tác xây dựng Đảng, xây dựng NTM, xóa đói giảm nghèo… Nhờ đó, kinh tế-xã hội địa phương có nhiều khởi sắc. Các cấp ủy Đảng cơ sở chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ thôn, làng, tổ dân phố, MTTQ và các đoàn thể đổi mới phương thức hoạt động, sâu sát tình hình, có kế hoạch và giải pháp phù hợp thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Nhiệm kỳ này, các cán bộ chủ chốt luôn sâu sát cơ sở, bí thư cấp ủy chủ động lắng nghe phản ánh từ phía quần chúng nhân dân, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những yêu cầu bức xúc của địa phương, tạo được nhiều chuyển biến tích cực, nhất là kết quả từ mô hình xây dựng làng NTM tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đã tác động hiệu quả đến kết quả thực hiện hoàn thành và vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên
Tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng vừa diễn ra vào đầu năm 2020, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã yêu cầu cấp ủy các cấp quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, bám sát Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và hướng dẫn của cấp ủy cấp trên trong xây dựng, rà soát, sàng lọc kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ, đảng viên không đủ điều kiện về năng lực, đạo đức. Đồng thời, tiếp tục giữ vững tinh thần đoàn kết nội bộ, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020-năm có tính chất quyết định trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh. |
Song song với việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đặc biệt chú trọng công tác xây dựng hệ thống chính trị, sắp xếp tổ chức, bộ máy gắn với tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Cụ thể, toàn tỉnh đã giảm được 18 đầu mối trực thuộc đối với các tổ chức hành chính cấp tỉnh, huyện; giảm 127 đơn vị sự nghiệp công lập ở 2 cấp; giảm 534 thôn, làng, tổ dân phố; giải quyết chính sách tinh giản biên chế 803 đối tượng, cắt giảm 1.714 biên chế; đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã giảm 13.649 người so với năm 2015. Đồng thời, sắp xếp giảm từ 1.022 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Đảng bộ tỉnh xuống còn 977 tổ chức; giảm từ 3.865 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở xuống 3.323 chi bộ…
Trao đổi về vấn đề này, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành nhìn nhận: Các cấp ủy Đảng chú trọng quan tâm vấn đề tinh giản biên chế, hướng đến giảm số lượng, nâng cao chất lượng để tạo ra đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, trong sạch vững mạnh hơn. Vấn đề cán bộ, đảng viên nêu gương thực hiện cho được tinh thần ý chí, nội dung, lý tưởng của người cán bộ, đảng viên là rất quan trọng. Đã là cán bộ, đảng viên thì phải nêu gương, không chỉ nói theo đường lối, chính sách mà phải có giải pháp thực hiện. Kết quả hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội, đời sống người dân được nâng lên, cán bộ đảng viên vi phạm bị xử lý nghiêm thì uy tín của Đảng ngày càng nâng cao.
“Yêu cầu đặt ra của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI phải cao hơn, toàn diện hơn, chất lượng hơn để đảm bảo cho giai đoạn phát triển mới. Công tác quy hoạch cán bộ phải có sự chuẩn bị chu đáo. Chúng ta nên cân nhắc, lựa chọn những người có uy tín, năng lực để cơ cấu vào những vị trí chủ chốt, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Từng cấp ủy cơ sở vững mạnh thì sẽ tạo nên bộ máy tổng thể vững mạnh. Do vậy, ngoài các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội thì công tác cán bộ, lựa chọn những người xứng đáng đứng đầu cấp ủy là nhiệm vụ, trách nhiệm rất lớn của các đại biểu”-ông Ngô Thành khẳng định.
Với tư cách là một đảng viên, ông Nguyễn Ngọc Liên kỳ vọng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ mới tiếp tục có những chủ trương lãnh đạo đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển kinh tế-xã hội địa phương, chăm lo nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân. Công tác lựa chọn nhân sự cấp ủy các cấp cần được triển khai nghiêm túc theo quy định, hướng dẫn của Đảng. “Lựa chọn những cán bộ có tâm, có tầm và có đạo đức là cái gốc của công tác cán bộ; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ; kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên sai phạm, qua đó nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng để ngày càng củng cố niềm tin của nhân dân. Mỗi đảng viên phải tự nâng cao bản lĩnh chính trị, tránh sa vào tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trước các luồng thông tin sai trái”-ông Liên nêu kỳ vọng.
MINH NGUYỄN