(GLO)- Ngày 19-10-2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 44/2016/QĐ-TTg về lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của chủ rừng. Trong đó, có các quy định về việc chủ rừng được thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và được trang bị thêm các công cụ hỗ trợ… đã giúp cho lực lượng này tăng thêm sức mạnh trong “cuộc chiến” giữ rừng.
Theo Quyết định số 44, chủ rừng (Ban Quản lý Rừng đặc dụng, Ban Quản lý Rừng phòng hộ không có tổ chức Kiểm lâm; doanh nghiệp, tổ chức không thuộc lực lượng vũ trang được Nhà nước giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp) được thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Người được giao nhiệm vụ bảo vệ rừng chuyên trách phải đáp ứng các tiêu chuẩn: Có phẩm chất đạo đức tốt; đủ 18 tuổi trở lên, có đủ sức khỏe đáp ứng nhu cầu công việc; ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sinh sống tại địa bàn, người đã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý bảo vệ rừng. Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi phá hoại rừng, khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng…
Phát dọn thực bì phòng-chống cháy rừng. Ảnh: K.N.B |
Đặc biệt, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được sử dụng một số loại công cụ hỗ trợ như: các loại súng dùng để bắn đạn cao su, đạn hơi cay và các loại đạn dùng cho các loại súng này; dùi cui điện, dùi cui cao su; các loại phương tiện xịt hơi cay; áo giáp, găng tay bắt dao; mũ chống đạn... Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về quản lý bảo vệ, phát triển rừng; ưu tiên về nghiệp vụ tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách phải kịp thời báo cáo với chủ rừng và các cơ quan chức năng về tình hình bảo vệ rừng được giao; chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của chủ rừng và kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan Kiểm lâm. Khi phát hiện vi phạm về quản lý bảo vệ rừng trong phạm vi diện tích đơn vị quản lý, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách có trách nhiệm lập biên bản kiểm tra ban đầu, bảo vệ hiện trường, tang vật vi phạm kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền lập biên bản xử lý. Trong trường hợp cấp bách, lực lượng này được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định...
Hiện trên địa bàn tỉnh có 11 Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp, 19 Ban Quản lý Rừng phòng hộ và 87 chủ rừng là các xã, quản lý diện tích trên 600.000 ha. Lâu nay, câu chuyện giữ rừng và công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị này gặp nhiều khó khăn. Tình trạng xâm hại đến tài nguyên rừng diễn ra phức tạp và ngày càng gia tăng. Trong khi đó, các chủ rừng không đủ nhân lực, vật lực để ngăn chặn hành vi vi phạm. Thậm chí, trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 20 vụ đối tượng vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng liều lĩnh chống lại lực lượng bảo vệ rừng, khiến lực lượng này có phần chùn bước. Xảy ra tình trạng này là do các chủ rừng chỉ đơn thuần là một doanh nghiệp được Nhà nước thuê để bảo vệ rừng, quyền hạn, công cụ hỗ trợ bị hạn chế nên các đối tượng vi phạm sẵn sàng chống đối.
Trước thực tế ấy, ngay sau khi Quyết định số 44 được ban hành, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan nhanh chóng triển khai thực hiện. Theo chỉ đạo của tỉnh, ngày 24-11-2016, ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 1650/SNN-CCKL triển khai thực hiện gấp rút Quyết định số 44 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, quy định nhiệm vụ, trách nhiệm rõ ràng đối với Chi cục Kiểm lâm trong việc hướng dẫn, đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; các chủ rừng rà soát thành lập lực lượng, chủ động kinh phí hoạt động, mua sắm công cụ hỗ trợ phục vụ cho công tác; trách nhiệm phối hợp của chính quyền và lực lượng chức năng của các địa phương…
Đồng tình với việc triển khai thực hiện Quyết định 44, ông Trần Ngọc Anh-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa (huyện Kông Chro) cho rằng: “Quyết định 44 có hiệu lực đã có tác động tích cực đến tâm lý của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Thực tế, lâu nay trong quá trình làm nhiệm vụ đã không ít lần anh em của đơn vị bị các đối tượng vi phạm chống đối, thậm chí hành hung. Dù quyết tâm đến mấy, nhưng nếu trong tay chỉ có bình xịt hơi cay, dùi cui tự chế thì khó có thể ngăn cản được hành vi hung hãn của các đối tượng. Chính vì vậy, những quy định mới được áp dụng đã tăng cường thêm uy lực, sức mạnh của lực lượng bảo vệ rừng khi làm nhiệm vụ…”.
Đồng quan điểm với ông Trần Ngọc Anh, nhưng ông Nguyễn Đức-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (TP. Pleiku) góp ý thêm: “Tình hình chung hiện nay là lực lượng bảo vệ rừng vẫn còn mỏng, bởi một đơn vị chỉ có từ 13 đến 16 cán bộ, công nhân viên mà phải quản lý hàng chục ngàn ha rừng thì gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, nếu có thêm nguồn kinh phí để tăng cường thêm lực lượng thì công tác quản lý, bảo vệ rừng sẽ đạt hiệu quả cao hơn…”.
Nếu “rừng là vàng”, thì lực lượng giữ rừng là những người đang ngày đêm bảo vệ “kho vàng” cho quốc gia. Nên khi Quyết định số 44 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực đã như một liều “doping” tăng cường thêm sức mạnh cho lực lượng này trong “cuộc chiến” giữ rừng. Hy vọng, với những chính sách mới này, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.
Lê Anh