Kinh tế

Tài chính

"Tiếp sức" doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với nhiều điểm sửa đổi, bổ sung, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã “tiếp sức” cho khách hàng có thêm nguồn lực tài chính để duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn do dịch Covid-19.

Một số ngân hàng chủ động giảm bớt lợi nhuận để cân đối nguồn lực thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Ảnh: Sơn Ca
Một số ngân hàng chủ động giảm bớt lợi nhuận để cân đối nguồn lực thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Ảnh: Sơn Ca

Trước tác động của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng trên thị trường sụt giảm, còn nợ xấu lại tăng lên do hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Do đó, ngày 2-4-2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN để gỡ khó cho cả khách hàng và ngân hàng.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 31-12-2021. Bên cạnh đó, giữ nguyên quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu. Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng được thực hiện đến ngày 31-12-2021. 

Ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai-cho biết: “Đối với các quy định tại Thông tư số 03 nêu rõ, khách hàng có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại. Đối với các khoản nợ vi phạm quy định pháp luật, tổ chức tín dụng không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 thông qua việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thực hiện miễn, giảm lãi cho các trường hợp thật sự khó khăn, suy giảm nguồn thu do ảnh hưởng của dịch”.

Ngành Ngân hàng tiếp tục ưu tiên vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững. Ảnh: Sơn Ca
Ngành Ngân hàng tiếp tục ưu tiên vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững. Ảnh: Sơn Ca
Đến hết tháng 4-2021, các chi nhánh ngân hàng thương mại ở Gia Lai đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 1.159 tỷ đồng/609 khách hàng; số dư nợ đã miễn, giảm lãi là 1.567 tỷ đồng/8.385 khách hàng; miễn, giảm 12,8 tỷ đồng tiền lãi. Bên cạnh đó, đã thực hiện cho vay mới với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23-1-2020 là 10.209 tỷ đồng với 2.741 khách hàng.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 03, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có văn bản gửi các chi nhánh ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng hợp tác xã, các quỹ tín dụng nhân dân yêu cầu triển khai thực hiện. Đồng thời, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ quý II-2021, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã trực tiếp quán triệt chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đặc biệt là tập trung thực hiện tốt các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 03.

Ông Nguyễn Hữu Nghị-Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước tỉnh Gia Lai-nhấn mạnh: “Việc ban hành Thông tư số 03 thực sự hỗ trợ cho khách hàng giảm bớt áp lực tài chính trong một thời gian nhất định, thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới để duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Đối với các quy định về giữ nguyên nhóm nợ, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo biên độ thời gian giúp các tổ chức tín dụng giảm bớt chi phí, tăng cường an toàn vốn”.   

Đón nhận thông tin này trong bối cảnh hoạt động vận tải đường bộ đang tiếp tục đối mặt với khó khăn do dịch bệnh, bà Trương Thị Lệ Thủy-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hoài Phương (TP. Pleiku) bày tỏ: “Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch Covid-19 đã xảy ra 2 đợt trên cả nước, doanh nghiệp vận tải liên tỉnh như chúng tôi đối mặt với nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đa phần người dân hạn chế nhu cầu đi lại, lượt khách ngày thường giảm mạnh. Mặc dù Công ty chủ động điều tiết số đầu xe, nhưng hầu như chuyến nào số lượng khách chỉ đạt 1/4 số ghế trên mỗi chuyến. Áp lực, khó khăn là vậy, nhưng doanh nghiệp cũng không thể bỏ tuyến, bỏ chuyến mỗi ngày. Trong thời điểm khó khăn như hiện nay mà ngành Ngân hàng tiếp tục có chính sách hỗ trợ về lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ cho khách hàng như Thông tư số 03 thì quá tốt”.

 

SƠN CA
 

Có thể bạn quan tâm