Chính trị

Tin tức

Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho yêu nước ở một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, người dân cùng cực khốn khổ, Nguyễn Tất Thành rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước khi mới vừa 21 tuổi. Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước, Người bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới và đã phát hiện ra một chân lý: “Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như ở các nước thuộc địa”. Người đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin như một tất yếu lịch sử. Người đã tìm thấy những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội...
Làng Sen- quê nội Bác Hồ
Làng Sen- quê nội Bác Hồ
Từ đây, Người đã tích cực tham gia các phong trào quốc tế cộng sản; xây dựng các nhân tố và tổ chức đưa những tư tưởng cứu nước theo con đường cách mạng vô sản vào các lớp đào tạo, huấn luyện đội ngũ cách mạng của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Quảng Châu (Trung Quốc). Theo lớp cán bộ này, tư tưởng cứu nước mới của Người đã được truyền bá trong dân chúng, góp phần quan trọng liên kết các cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân, nhân dân lao động nước ta trong những năm 1925-1929 và trở thành tiền đề tư tưởng cho việc hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Ngày 3-2-1930, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Người đã chủ trì Hội nghị thống nhất 3 tổ chức cộng sản ở Đông Dương, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng do Người trực tiếp soạn thảo như: Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam là mẫu mực của sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác-Lênin, đường lối của Quốc tế Cộng sản vào điều kiện cụ thể của nước ta, trở thành Cương lĩnh đầu tiên của Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của Người và Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã đứng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng thế giới, khẳng định sự vận dụng một cách tài tình, sáng tạo học thuyết Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Đi theo con đường đó, dân tộc Việt Nam anh dũng bước vào cuộc trường chinh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược bằng tất cả sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại để chiến thắng quân thù. Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975, Việt Nam là tấm gương chiến đấu của các dân tộc bị áp bức, được nhân dân thế giới nhắc đến với niềm tự hào, cảm phục.
Thực hiện Di chúc của Người, Đảng ta kiên định những quan điểm có tính nguyên tắc, lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành sự nghiệp đổi mới đất nước, củng cố độc lập dân tộc, tiến bước vững chắc trên con đường chủ nghĩa xã hội. Đó là thắng lợi to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử, cả trên hai mặt thực tiễn và lý luận. Điều đó cũng chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp quy luật khách quan và thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Trải dài theo dòng lịch sử, trên địa bàn Tây Nguyên, theo bước chân những chiến sĩ cách mạng, từ trước Cách mạng Tháng Tám đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, hình ảnh những cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ Việt Minh, cán bộ được Đảng cử ở lại sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Bộ đội Cụ Hồ, giải phóng quân là những “sứ giả” gắn bó với đồng bào “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, dạy cho họ biết cái chữ, biết đánh Tây, đuổi Mỹ... đã đi vào lòng người Gia Lai. Những việc làm cụ thể, những tấm gương kiên trung, bất khuất đã thuyết phục đồng bào đi theo Đảng, đi theo Bác Hồ một cách tự nhiên, bền chặt, dù phải chấp nhận gian khổ, hy sinh.
Những người con của Gia Lai vinh dự được gặp Bác Hồ như Anh hùng Núp, Nay Phin, Ksor Ní, Ksor Krơn, Krung Tơ Lô Kơn, Đinh Klum... coi đó là vinh dự lớn lao của một đời người. Khi có dịp trở về quê hương, về lại núi rừng, những người con ưu tú ấy đã mang tình Bác và giá trị văn hóa của Người đến với các buôn làng. Cuộc đời hoạt động cách mạng, tư tưởng đạo đức, mà đặc biệt là tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng luôn luôn hiển hiện trong đời sống nhân dân rất bình dị mà vĩ đại. Không phải ngẫu nhiên mà đồng bào tin Đảng và Bác Hồ như thế, nếu giá trị văn hóa Hồ Chí Minh không có sức lan tỏa, thẩm thấu, gần gũi và hòa quyện với đời sống của đồng bào Tây Nguyên.
Đồng bào các dân tộc Gia Lai mặc dù chưa một lần được đón Bác vào thăm, nhưng trong sâu thẳm lòng mình, luôn hướng về Bác với niềm tự hào và lòng biết ơn vô hạn, một lòng một dạ đi theo Đảng, theo Bác Hồ.
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Gia Lai, lớp lớp con em trong tỉnh đã xung phong lên đường nhập ngũ, chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc trên mọi chiến trường. Nhiều chiến công hiển hách của quân và dân các dân tộc Gia Lai đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc như huyền thoại góp phần giải phóng Gia Lai vào ngày 17-3 và giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc vào ngày 30-4-1975, cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
35 năm sau ngày giải phóng, dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Gia Lai đã từng bước vượt qua khó khăn, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, vận dụng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề ra các biện pháp phù hợp với tình hình của địa phương, từng bước đưa tỉnh nhà tiến lên.
Sau 25 năm đổi mới, kinh tế-xã hội Gia Lai đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, đang trở thành một vùng đất sôi động, giàu tiềm năng, nơi giao lưu không chỉ về bản sắc văn hóa mà còn là nơi gặp gỡ phát triển và là một trong những địa phương có tốc độ phát triển khá nhanh, khá toàn diện về kinh tế-xã hội.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt những thành tựu rất quan trọng, một số mục tiêu, nhiệm vụ đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng. Hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm đầu tư, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Chất lượng giáo dục, khám-chữa bệnh, thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo được quan tâm và có thêm nhiều thành tựu mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng tiếp tục được cải thiện. Quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên được tăng cường. Hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có nhiều tiến bộ. Mặt trận và các đoàn thể đã tập trung hướng về cơ sở; công tác phát triển đoàn viên, hội viên và tổ chức Đoàn-Hội ở thôn, làng được quan tâm; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và phát huy.
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo  đức Hồ Chí Minh” được triển khai kịp thời, sâu rộng với các hình thức sinh động, cụ thể; tiếp tục tạo nên sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.Tinh thần trách nhiệm, ý thức rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên được nâng lên, từ đó, củng cố thêm lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Kết quả việc làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Bác Hồ thể hiện ngày càng rõ qua những việc làm thiết thực và cụ thể: Nội dung cuộc vận động đã được gắn kết với các nhiệm vụ chính trị, tạo nên những kết quả tích cực. Tinh thần tương thân, tương ái, truyền thống đạo đức nhân ái của dân tộc ngày càng được phát huy, vai trò nêu gương của cán bộ chủ chốt, công chức, đảng viên bước đầu đã đạt được kết quả thiết thực. Mỗi tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước xác định rõ hơn nhiệm vụ và ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Từ nhận thức và hành động, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang dần trở thành một phong trào sâu rộng, lôi cuốn thu hút cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân tham gia, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mỗi tập thể, cá nhân.
Kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để nhân dân, trước hết là cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ ra sức nghiên cứu học tập quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người. Đó là việc làm rất quan trọng; song điều quan trọng hơn, cấp bách hơn đối với tất cả chúng ta lúc này là vận dụng tư tưởng, đạo đức, tác phong và lề lối làm việc của Người vào cuộc sống hiện nay.
Các đại biểu dân tộc thiểu số bên Bia ghi thư Bác Hồ tại TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu dân tộc thiểu số bên Bia ghi thư Bác Hồ tại TP. Pleiku. Ảnh: Đức Thụy
Với tinh thần đó, trong thời gian đến, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh nhà tiếp tục ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ năm 2010; hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt các vấn đề sau:
Một là, tập trung chỉ đạo thành công đại hội đảng các cấp đảm bảo đúng nội dung, yêu cầu của Chỉ thị 37/TW của Bộ Chính trị, các văn bản hướng dẫn của Trung ương và Kế hoạch số 76-KH/TU của Tỉnh ủy. Thường xuyên làm tốt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ; tập trung đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trọng tâm là “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Đẩy mạnh việc giáo dục, xây dựng đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thời kỳ mới thông qua tấm gương đạo đức của Bác nhằm khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, đấu tranh khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống; đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có nhân cách cao đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, có lối sống văn minh, xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh, tiến bộ.
Ba là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, kiên quyết bác bỏ những luận điệu sai trái, thù địch nhằm phủ nhận Tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi tách Tư tưởng Hồ Chí Minh khỏi Chủ nghĩa Mác-Lênin, phủ nhận chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang dày công xây dựng.
Bốn là, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho phát triển tỉnh nhà, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng tỉnh Gia Lai giàu mạnh.
Hà Sơn Nhin
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai

Có thể bạn quan tâm