(GLO)- Sáng 25-8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng-chống dịch và đánh giá kết quả việc triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Gia Lai có lãnh đạo Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đại diện các phòng chuyên môn Sở Y tế.
Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.392.859 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu người có 114.834 ca nhiễm). Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện |
Đến nay, toàn quốc đã tiêm được 255.132.271 liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó: số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 218.345.144 liều gồm: mũi 1 là 71.375.604 liều; mũi 2 là 68.976.346 liều; mũi bổ sung là 15.229.839 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 49.502.555 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 13.260.800 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 22.054.216 liều, gồm: mũi 1 là 9.083.949 liều; mũi 2 là 8.780.866 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 4.189.401 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 14.732.911 liều: mũi 1 là 9.022.843 liều, mũi 2 là 5.710.068 liều.
Đến nay, cả nước có khoảng 37 triệu mũi tiêm có mã CCCD/CMND nhưng sai thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an. Có khoảng 4 triệu người tương ứng với 10 triệu mũi tiêm không có thông tin CCCD/CMND. Vì vậy, Bộ Y tế đã bàn giao dữ liệu 17 triệu đối tượng tương ứng với 37 triệu mũi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho Bộ Công an rà soát, đối chiếu dữ liệu gửi lại Bộ Y tế cập nhật lên hệ thống dữ liệu tiêm chủng quốc gia.
Tại Gia Lai, tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh đến chiều ngày 24-8 đạt 23,7% mũi bổ sung, gần 68% mũi nhắc lại lần 1, trên 87% mũi nhắc lại lần 2. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai tiêm đạt 86% mũi 1, trên 48% mũi 2 đối với trẻ ở lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Tại hội nghị, nhiều địa phương đã ý kiến về phần mềm quản lý tiêm vắc xin phòng Covid-19 và quản lý dịch bệnh khác, một số khó khăn, tồn tại trong công tác phòng-chống dịch và tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nhận định: Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, biến chủng mới của Omicron đã xuất hiện tại Việt Nam, các bệnh dịch truyền nhiễm khác vẫn đang tiếp tục lưu hành và tăng nhanh, tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 tuy có tăng nhưng vẫn rất chậm, đặc biệt tỷ lệ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi nhiều tỉnh, thành chưa đạt.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, để hoàn thành mục tiêu tiến độ tiêm trong tháng 8-2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho mỗi người dân và cộng đồng trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tiến độ triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Các địa phương cần tăng cường điểm tiêm chủng lưu động tại vùng khó khăn, tổ chức tiêm vét tại vùng có tỷ lệ thấp. Cùng với đó, ngành Y tế các địa phương phối hợp với ngành Giáo dục rà soát đối tượng học sinh, tổ chức tiêm vét cho các cháu để hoàn thành tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ em từ 12-17 tuổi và tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trước khi vào năm học mới. Các địa phương tiếp tục tăng cường truyền thông về lợi ích, tính an toàn của mũi tiêm nhắc từ đó khuyến khích người dân tích cực hưởng ứng tiêm các mũi nhắc vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo miễn dịch cộng đồng.
Riêng đối với bệnh đậu mùa khỉ, từ tháng 5-2022 đến nay, dịch đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc lẫn số quốc gia ghi nhận. Tổ chức Y tế thế giới đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng có xu hướng gia tăng nhiều nơi cả trong lẫn ngoài nước. Để đáp ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động, tăng cường trong công tác phòng-chống dịch, đặc biệt là hoạt động giám sát ngăn chặn tại cửa khẩu, phát hiện sớm tại cộng đồng, tại cơ sở y tế và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh. Chuẩn bị nhân lực, vật lực sẵn sàng đáp ứng với tình hình dịch bệnh.
NHƯ NGUYỆN