Kinh tế

Tiếp tục đẩy nhanh việc thành lập, mở rộng các cụm công nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là một trong những nội dung quan trọng mà UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo triển khai tại Công văn số 923/UBND-CNXD về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 166-KH/TU ngày 19-10-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Kế hoạch số 166-KH/TU ngày 19-10-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chế biến cà phê sạch tại trang trại cà phê Vĩnh Hiệp (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê). Ảnh: H.D
Chế biến cà phê sạch tại trang trại cà phê Vĩnh Hiệp (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê). Ảnh: H.D

Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 166-KH/TU; Chương trình số 708/CTr-UBND ngày 3-6-2021 của UBND tỉnh. Trong đó, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về Kế hoạch số 166- KH/TU và tổ chức xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển công nghiệp.

Sở Công thương được giao chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án phát triển cụm công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, chú trọng công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư, thu hút, lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp. Định hướng, ưu tiên xúc tiến các doanh nghiệp, dự án đầu tư thứ cấp sản xuất các sản phẩm có nguồn nguyên liệu chủ lực của tỉnh, có cùng ngành nghề, có khả năng liên kết, hỗ trợ nhau vào cùng một cụm công nghiệp; các ngành nghề theo định hướng quy hoạch tỉnh có công nghệ cao, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững vào cụm công nghiệp.

Sở Công thương có nhiệm vụ đẩy nhanh việc thành lập, mở rộng các cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các trung tâm phát triển công nghiệp chế biến trên cơ sở hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối của vùng như: khu vực trung tâm (TP. Pleiku, huyện Đak Đoa, huyện Ia Grai); khu vực phía Đông tỉnh (thị xã An Khê, huyện Đak Pơ); Khu vực phía Đông Nam tỉnh (thị xã Ayun Pa); Khu vực phía Tây tỉnh (huyện Chư Prông, huyện Đức Cơ); và khu vực huyện Chư Sê là trọng tâm công nghiệp các huyện trên tuyến quốc lộ 14.

Trên cơ sở Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Công thương phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ đầu tư và sớm đưa vào hoạt động các dự án thủy điện, năng lượng tái tạo trên địa bàn. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn khuyến công của Trung ương và địa phương để hỗ trợ cho các doanh nghiệp triển khai chương trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đầu tư máy móc hiện đại, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường.

Gia Lai đang nỗ lực kêu gọi đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến. Ảnh: H.D
Gia Lai đang nỗ lực kêu gọi đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến. Ảnh: H.D

Các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp tại Kế hoạch số 166- KH/TU, tùy theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình. Trên cơ sở nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, UBND các huyện, thị xã thành phố đẩy nhanh việc tham mưu, đề xuất các thủ tục liên quan về danh mục dự án cần hồi đất theo quy định để làm cơ sở triển khai các bước: Thành lập, mở rộng cụm công nghiệp; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư...

Đối với các cụm công nghiệp đã thành lập, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với Sở Công thương và các sở ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thực hiện việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với các nhà máy công nghiệp chế biến, phát triển các vùng chuyên canh tập trung và phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo ra các loại hàng hóa có giá trị kinh tế và tính cạnh tranh gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm