Chính trị

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để đạt được các mục tiêu: Đến năm 2030 có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá.

Chính phủ vừa có Nghị quyết 09/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Nghị quyết nêu rõ, Chương trình hành động của Chính phủ là căn cứ để các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả quan điểm chỉ đạo, phấn đấu cao nhất để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế tập thể mà Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đề ra, đó là: Đến năm 2030 có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá.

Ông Trịnh Quang Hải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên (bìa trái) thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho người đứng đầu HTX. Ảnh: Trần Dung

Ông Trịnh Quang Hải-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Thảo Nguyên (bìa trái) thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho người đứng đầu HTX. Ảnh: Trần Dung

Trong đó, có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.

Đến năm 2045, thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.

Theo đó, hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã,...) và các tổ chức đại diện để nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung; nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành.

Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng coi các tổ chức kinh tế tập thể là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân (đầu tư công-quản trị cộng đồng). Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù cho kinh tế tập thể. Bố trí nguồn kinh phí tương xứng từ ngân sách nhà nước để bảo đảm triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Có chính sách phù hợp để tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng của kinh tế tập thể.

Hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên trong các tổ chức kinh tế tập thể; kết hợp động lực kinh tế với động lực tinh thần, khơi dậy phong trào quần chúng nhân dân tham gia phát triển các tổ chức kinh tế tập thể.

Có cơ chế, chính sách khuyến khích tăng vốn góp và vốn huy động từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động, tăng vốn đầu tư phát triển, tăng tài sản và quỹ không chia của tổ chức kinh tế tập thể.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước và hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chuyên sâu về kinh tế tập thể.

Theo Nghị quyết, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội-nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thể.

Có thể bạn quan tâm