Chính trị

Tin tức

Tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn chiến lược về ngoại giao kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-  Sáng 21-12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức phiên họp toàn thể trực tuyến về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước.

Đây là phiên họp trong khuôn khổ hội nghị ngoại giao lần thứ 32 với chủ đề: “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu chỉ đạo

Dự tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đến nay, các hoạt động đối ngoại diễn ra sôi động, liên tục, đồng bộ, hiệu quả, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao vị thế đất nước. Công tác đối ngoại đã đạt nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp toàn thể trực tuyến toàn quốc về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Ảnh: Minh Nguyễn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp toàn thể trực tuyến toàn quốc về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước. Ảnh: Minh Nguyễn

Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, trong thành tựu chung to lớn của công tác đối ngoại có đóng góp rất quan trọng của ngoại giao kinh tế. Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn.

Cụ thể, đã được tổ chức quán triệt, triển khai một cách đồng bộ và thống nhất các chủ trương, định hướng lớn của Đảng về ngoại giao kinh tế; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong huy động các nguồn lực bên ngoài, đóng góp quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “Vừa phòng-chống, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội”; thực hiện tốt chủ trương “Lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ” trong các hoạt động ngoại giao kinh tế; các hoạt động ngoại giao kinh tế cũng có nhiều đổi mới, sáng tạo, phát huy được sức mạnh tổng hợp từ các ngành, các cấp.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Nguyễn

Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Nguyễn

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và một số Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài đã có nhiều tham luận quan trọng, chia sẻ những xu hướng mới về đầu tư, thương mại, đổi mới sáng tạo, tiềm năng của ngành công nghiệp bán dẫn, các tiêu chuẩn quy định mới ở các thị trường truyền thống, hay cơ hội và thách thức mới ở các thị trường mới khai phá; phương hướng phối hợp trong thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ triển khai các đột phá chiến lược; các yêu cầu đặt ra đối với thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao kết quả hoạt động ngoại giao đã góp phần vào thành quả chung của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ 6 mặt đạt được và chỉ ra 5 điểm hạn chế cần được khắc phục. Đơn cử, việc nghiên cứu nắm tình hình có lúc, có nơi chưa kịp thời làm cho chính sách ngoại giao còn bị động; thực hiện ngoại giao kinh tế chưa đồng bộ, còn manh mún, chia tách, chưa có trọng tâm, trọng điểm để có thể thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình hình tạo ra đột phá cao hơn.

Mặt khác, liên kết giữa doanh nghiệp và người dân địa phương với các hoạt động ngoại giao kinh tế chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả; việc xây dựng thể chế, cơ chế chính sách hợp tác giữa nước ta với các nước cần phải chặt chẽ hơn, phù hợp với tình hình và tích cực hơn; việc ký kết nhiều nhưng tổ chức thực hiện còn khiêm tốn, thủ tục còn rườm rà cần sớm đổi mới...

Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đúc kết những bài học kinh nghiệm trong quan hệ ngoại giao kinh tế như: Đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết nhưng trên cơ sở linh hoạt “Hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro”; phản ứng chính sách phải nhanh và kịp thời, chính xác hơn để tận dụng tốt cơ hội, nguồn lực cho phát triển; các biện pháp ngoại giao phải thực tiễn, hiệu quả, chân thành và độ tin cậy được đặt lên hàng đầu, thể hiện tinh thần ngoại giao cây tre “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”. Đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sát về khoa học công nghệ, tinh thông về nghiệp vụ ngoại giao, hiểu biết về luật pháp, có tâm, có tầm.

Trước dự báo thuận lợi đan xen thách thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị các bộ, ngành cần dự báo tốt, nắm chắc tình hình với tinh thần càng khó khăn thì càng nỗ lực hơn; tiếp tục cụ thể hóa thể chế, đường lối đối ngoại theo tinh thần Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế; đồng thời phải đổi mới tư duy, tầm nhìn chiến lược; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm; phát huy tính tự lực tự cường, sáng tạo; tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa các ngành địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo ra nguồn lực cho phát triển đất nước...

Có thể bạn quan tâm