(GLO)- Nhân kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2018), sáng 19-5, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức lễ khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang).
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy; cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh.
Những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ từng sinh sống ở Krong về thăm Khu Di tích. Ảnh: M.N |
Tự hào ngày trở lại Krong
Trước lễ khánh thành Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh, bà Lương Thị Kiều (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã trải qua nhiều đêm bồn chồn, nôn nao đến mất ngủ. Từ khi nhận được giấy mời, bao ký ức về nơi từng sinh sống và công tác cứ ùa về. Hơn 40 năm qua, vì điều kiện khách quan nên bà Kiều chưa một lần quay trở lại nơi này. Dạo một vòng trong khu di tích, “cảnh cũ, người xưa” càng khiến bà bùi ngùi, xúc động. Bạn bè, đồng nghiệp của bà ngày đó giờ đều đã già, thế nhưng những câu chuyện lúc nhớ, lúc quên giữa họ về những năm tháng chống Mỹ cứu nước ác liệt dường như không có hồi kết.
Cùng đi với bà Kiều có bà Huỳnh Thị Sáu (phường Hoa Lư). Bà Sáu từng là cán bộ văn thư đánh máy Ban Kiểm tra Đảng. Mặc dù đã nhiều lần quay trở lại căn cứ cách mạng của tỉnh tại xã Krong nhưng lần này bà Sáu rất phấn khởi khi thấy công trình ghi nhận những đóng góp của các cán bộ, chiến sĩ từng sống, chiến đấu, làm việc nơi này đã được quan tâm xây dựng, tôn tạo. “Chúng tôi tự hào, vui mừng khi chứng kiến công trình có giá trị lịch sử này được hoàn thành. Đây sẽ là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, cũng là địa chỉ đỏ về mảnh đất Gia Lai kiên cường trong kháng chiến”-bà Sáu bày tỏ.
Chuyến trở lại Krong lần này mang lại cho bà Trương Thị Hồng Hoa (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) một cảm giác rất đặc biệt. Bởi lẽ, bên cạnh bà là người chồng, người đồng đội đã cùng chia ngọt sẻ bùi trong những ngày tháng gian khổ. Thời gian đó, bà Hoa công tác ở Đội Thanh niên xung phong H1 (thuộc Sở Giao thông-Vận tải), còn chồng bà-ông Nguyễn Chí Thạch, thì phụ trách điện đài của Tỉnh ủy. “Tâm niệm là người con của núi rừng, dù rời đi hàng chục năm nhưng tôi vẫn luôn nhớ về nơi này, xem như là quê hương của mình. Chính vì vậy, trước sự hiện diện của công trình mang ý nghĩa lịch sử này, tôi như được thỏa ước nguyện của mình bấy lâu. Đây là mảnh đất lưu giữ kỷ niệm một thời thanh niên đầy nhiệt huyết của chúng tôi, tuy gian khổ nhưng vô cùng gắn bó”-bà Hoa xúc động.
Mỗi lần trở lại căn cứ cách mạng của tỉnh tại xã Krong, nhiều cán bộ của tỉnh đều bùi ngùi, xúc động, bao kỷ niệm kháng chiến, nhất là nghĩa tình sâu nặng với đồng bào Krong thân thương một thời “mưa bom, lửa đạn” lại ùa về. Với ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, vùng đất này luôn là niềm tự hào to lớn. Ông cho biết: “Tỉnh nào cũng có căn cứ địa cách mạng, nhưng tồn tại suốt 20 năm trước sự đánh phá ác liệt của quân thù trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì đó là một kỳ tích. Nơi đây hội tụ các yếu tố về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của tỉnh Gia Lai. Chúng tôi, những người đã công tác tại xã Krong này trong 2 cuộc kháng chiến, rất tự hào và phấn khởi trước việc tỉnh đầu tư xây dựng Khu Di tích lịch sử cách mạng Krong”.
Cần tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử
Phát biểu tại lễ khánh thành, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, khẳng định: Việc xây dựng Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong là tâm nguyện của cả một thế hệ gắn bó với khu căn cứ, là niềm mong mỏi của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Thế hệ đi sau thừa hưởng thành quả cách mạng được đánh đổi bằng sự hy sinh xương máu của các bác, các cô, các chú, chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn, tôn tạo và phát huy các giá trị lịch sử. Khu Di tích là một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức tự lực, tự cường, lòng yêu quê hương đất nước. Do đó, ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh phải bắt tay ngay vào việc quản lý, khai thác hiệu quả Khu Di tích. Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn phải có kế hoạch đưa học sinh, đoàn viên, thanh-thiếu niên của tỉnh về đây để học tập, ghi nhớ ý nghĩa lịch sử của vùng đất này. Đảng bộ, nhân dân xã Krong anh hùng cũng phải biết vươn lên phát triển mạnh mẽ trong điều kiện mới để xây dựng cuộc sống ấm no trên quê hương cách mạng kiên cường”.
Cùng quan điểm này, ông Ngô Thành cho rằng, công trình được xây dựng kiên cố, khang trang là niềm vui của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đối với những người có nhiều năm công tác, tham gia chiến đấu nơi đây. Nhưng hiệu quả thật sự của công trình còn đang ở phía trước. Do đó, cần xây dựng quy chế quy định rõ trách nhiệm, phương pháp bảo vệ của cơ quan quản lý, của Đảng bộ và chính quyền địa phương để nâng cao giá trị của công trình này.
Ngoài ra, để phát huy giá trị lịch sử và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn nhận trách nhiệm sẽ tăng cường chỉ đạo tổ chức tuyên truyền về Khu Di tích lịch sử cách mạng này. Đồng thời, chỉ đạo Huyện Đoàn Kbang và Đoàn xã Krong thường xuyên tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ và tôn tạo Khu Di tích. “Mỗi lần được về với Krong là thêm một lần tuổi trẻ chúng tôi tự hào về truyền thống quê hương, về con người Krong nghĩa tình. Chúng tôi sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động về nguồn, gắn việc tổ chức kết nạp đoàn viên mới tại Khu Di tích để góp phần giáo dục đoàn viên về các giá trị lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng, giúp các đoàn viên hiểu rõ hơn sự hy sinh, sự đùm bọc chở che của người dân vùng căn cứ”-Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Hoàng Phong cho biết.
Minh Triều