Pháp luật

Tin tức

Tiếp tục khởi tố cựu lãnh đạo VEAM để điều tra sai phạm đất đai tại TP. Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Lâm Chí Quang, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), được xác định có sai phạm về quản lý tài sản nhà nước tại TP.HCM, gây thiệt hại lớn.
Ngày 18.2, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03 - Bộ Công an) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án “vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và một số đơn vị thành viên.

Bị can Lâm Chí Quang (hàng trên bên phải) cùng nhiều cựu lãnh đạo VEAM đang liên quan đến một số vụ án khác. Ảnh: Bộ Công an
Bị can Lâm Chí Quang (hàng trên bên phải) cùng nhiều cựu lãnh đạo VEAM đang liên quan đến một số vụ án khác. Ảnh: Bộ Công an
Cùng với đó, C03 khởi tố, áp dụng các biện pháp tư pháp đối với 3 bị can, gồm: Lâm Chí Quang, cựu Chủ tịch HĐQT; Nguyễn Thanh Giang, cựu Tổng giám đốc; và Đào Huấn Ngữ, cựu Giám đốc Công ty Đúc số 1 thuộc VEAM.
Bước đầu, C03 xác định 3 bị can có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất diện tích gần 9.000 m2 tại số 220 đường Bình Thới, P.14, Q.11, TP.HCM, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước.
Đáng chú ý, trước khi bị khởi tố trong vụ án này, ông Lâm Chí Quang đang là bị can trong vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” khác.
Hồi tháng 10 năm ngoái, C03 đã ban hành kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố bị can Lâm Chí Quang cùng nhiều cựu lãnh đạo của VEAM gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
VEAM là công ty trực thuộc Bộ Công thương, được thành lập ngày 12.5.1990, với mục tiêu trọng tâm là phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Mặc dù nhiều sản phẩm VEAM sản xuất không có tính cạnh tranh, song VEAM vẫn hoàn thành tốt với hàng ngàn tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm. Điều này nhờ phần lớn lợi nhuận được đem tới từ các liên doanh Toyota Việt Nam (VEAM góp vốn 20%), Honda Việt Nam (tỷ lệ 30%) và Ford Việt Nam (tỷ lệ 25%).
Theo Thái Sơn (TNO)

Có thể bạn quan tâm